Ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Tại Thông báo số 47 ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo Kết luận của Bộ Chính trị, trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch hành động của Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%.
Văn hóa, xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai tích cực, quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024 tăng 11 bậc.
Thủ tướng nhận định, thì năm 2025 cùng với việc sắp xếp bộ máy “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”; tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, thì năm 2025 cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề để có thể tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội, cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no hơn.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển.
Cùng với đó, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…, đặc biệt là nghiên cứu, phát triển chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đi tắt đón đầu, đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên.
Về hạ tầng chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số các mục tiêu cụ thể trong năm 2025, bao gồm hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau; khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị tốt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; triển khai các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, các dự án sân bay, cảng biển lớn…
Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên đều cần nguồn vốn lớn cho phát triển, phải huy động mạnh mẽ cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33-35% GDP, những năm tới, muốn đạt tăng trưởng 2 con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40-45% GDP; với nguồn vốn đầu tư khoảng 4-5 triệu tỷ đồng/năm, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Do đó, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng.
Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại
Việc Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Thủ tướng đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng khẳng định.
“Đây là việc mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm”, Thủ tướng cho rằng cần tham khảo học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hóa các tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng hiện đại; nâng cao công nghệ, năng lực quản lý, quản trị thông minh; phát huy sự đồng lòng, chung sức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.
Đối với các đối tác trong nước và quốc tế, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển trung tâm tài chính; đề xuất, tham vấn chính sách dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế đã được thành lập trên thế giới; hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để tham gia vào trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Đây không phải việc riêng của 2 thành phố, mà là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh.