Vừa qua, tại Đường sách TP.HCM Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, tổ chức sự kiện ra mắt quyển sách “Hiến đăng sứ – Yoko Tawada và những thực tại đầy ám ảnh”, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).
Buổi tọa đàm vinh dự khi có sự tham gia chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dịch giả Ái Tiên và Tiến sĩ Hồ Khánh Vân về nữ tác giả đặc biệt Yoko Tawada và Hiến đăng sứ – cuốn sách phản địa đàng nổi tiếng của bà.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Cách đây 10 năm, NXB Phụ Nữ đã xuất bản tác phẩm “Mắt trần” của Yoko Tawada và cũng đón nhận được sự thu hút từ độc giả Việt Nam. Và dịp này là Hiến Đăng Sứ. Với lối viết phản địa đàng, châm biếm, và hơi khó đọc sẽ là một thách thức đối với nhà xuất bản“
Vinh dự khi có sự góp mặt của ông Osuka Shoya – Trợ lý giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật bản tại Việt Nam, ông tự hào chia sẻ: “Kể từ khi xuất bản đầu tiên tại Nhật vào năm 2014, “Hiến đăng sứ”đã được dịch sang hơn 10 thứ tiếng trên thế giới và giành Giải National Book Awards, đây là một trong những giải thưởng văn học uy tín của Hoa Kỳ. Vào tháng 6 vừa qua, ấn bản tiếng Tây Ban Nha vừa ra mắt và bây giờ là ấn bản tiếng Việt. Điều đó cho thấy thế giới văn chương của Yoko Tawada đã trở nên quen thuộc, tới gần hơn với độc giả các nước trên thế giới”
Yoko Tawada là nữ văn sĩ tiêu biểu trên văn đàn Nhật cũng như Đức. Bà sinh năm 1960 ở Tokyo, đến Berlin từ tuổi đôi mươi, sáng tác bằng cả tiếng Nhật và Đức. Trong văn nghiệp, bà đã sáng tác bằng 2 thứ tiếng và giành được nhiều giải thưởng ở cả hai ngôn ngữ. Với Nhật là giải Gunzo (1991), Akutagawa (1993), Tanizaki (2003)… Với Đức là giải Chamisso (1996), huy chương Goethe (2005), giải Kleist (2016)… và giải Sách quốc gia Mỹ cho văn học dịch (2018).
Ở mảng sáng tác tiếng Nhật, bà để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm, đặc biệt là Hiến đăng sứ (Kentoshi), do Nguyễn Thị Ái Tiên và Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch; Nhật Chiêu giới thiệu. Đây là tác phẩm thuộc dòng truyện viễn tưởng, phản địa đàng. Với thủ pháp kể chuyện công phu, đầy biến ảo, tác giả dẫn dắt bạn đọc vào thế giới khốc liệt – nơi con người hoài nghi về sự tồn tại của mình. Lối viết của Yoko Tawada qua Hiến đăng sứ, tuy được các nhà phê bình phương Tây đánh giá rất cao với nhiều “mỹ từ”, nhưng việc tiếp cận tác phẩm của cô ở VN có thể sẽ gây khó khăn cho độc giả vì mỹ cảm và sự sáng tạo của nữ tác giả này rất độc đáo. Việc soi chiếu vào trong nền văn hóa khác, do vậy cần những bàn luận và lý giải.
Ngay từ cái tên, bìa sách, văn phong đều là những ẩn ý được tác giả gửi gắm trong đó. Theo lý giải của tác giả, Hiến đăng sứ có nghĩa là sứ giả, được tuyển chọn để thực hiện sứ mệnh nào đó. Âm đọc của chữ này đồng âm với Khiển đường sứ trong tiếng Nhật. Khiển đường sứ là các đoàn ngoại giao Nhật được cử sang nhà Đường của Trung Hoa để nhập biến văn minh của họ vào thế kỷ thứ VII. Ngay tựa truyện đã chứa đựng điển tích. Và có lẽ đây cũng chính là yếu tố gây nhiều tò mò lẫn khó hiểu cho độc giả.
Thông qua buổi tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (được biết đến qua mảng nghiên cứu văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Nhật); Nguyễn Thị Ái Tiên – tiến sĩ ngôn ngữ và văn hóa Nhật, ĐH Osaka (hiện là biên tập viên – biên dịch cho nhà xuất bản của Nhật, một số sách đã dịch: Kẻ móc túi, Tấm ảnh tình yêu và một câu chuyện khác – Nhã Nam ấn hành); MC Hồ Khánh Vân – tiến sĩ văn học, Phó trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ là dịp để hiểu sâu hơn về quyển truyện này và cũng là hiểu hơn hình bóng của một Nhật Bản trong tâm trí của nhà văn Nhật, luôn hướng về quê hương trong khi đang sống và sáng tác ở Đức.
Chị Nguyễn Thị Ái Tiên chia sẻ, trong quá trình dịch sách, chị nhận thây cách chơi chữ trong lối viết của bà gần giống với nhà thơ Hồ Xuân Hương của Việt Nam và chính ý nghĩa của bà đau đáu với quê hương Nhật Bản đã làm chị cảm động”
“Nhật Bản sau thảm họa”, chính là chủ đề xuyên suốt của tác phẩm, gồm 4 truyện ngắn và 1 vở kịch. Hiện tượng đột biến diễn ra khắp nơi, cuộc sống bị đảo lộn và nước Nhật đóng cửa. Hình ảnh một xã hội đen tối ngập tràn nỗi thống khổ sẽ hiện ra. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những khoảnh khắc hài hước xen kẽ bên trong câu chuyện. Trẻ con thật mong manh và “mang trong mình năng lực đặc biệt để không bi quan”, thứ khiến bức tranh toàn cảnh của hiện thực phản ánh qua đôi mắt của chúng tươi sáng hơn. Đó là bức chân dung thú vị về thế giới ấy, nơi những độc giả là chúng ta có thể cười nhưng đồng thời cũng suy nghĩ một cách nghiêm túc.