“TÀI CHÍNH XANH” CHO TĂNG TRƯỞNG XANH THÔNG QUA GREEN INNOVATION TẠI INNOEX 2023

Hơn 70 quỹ đầu tư, ngân hàng; định chế tài chính Việt Nam và quốc tế cùng hơn 200 doanh nghiệp và startup đã có không gian kết nối đầu tư, kết nối đổi mới sáng tạo ngày 24/08 vừa qua trong khuôn khổ InnoEx 2023 tại TP.HCM. Các doanh nghiệp cũng đã cùng chuyên gia thảo luận về các cơ hội và thách thức khi doanh nghiệp tham gia vào hành trình chuyển đổi xanh không thể đảo ngược của Việt Nam và thế giới.

Diễn ra tại TP.HCM ngày 24/08, Hội nghị Xanh – Green Summit được tổ chức trong khuôn khổ InnoEx – sự kiện quốc tế thường niên thúc đẩy hoạt động đổi mới và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực ASEAN.

Với hơn 20.000 người tham dự, InnoEx 2023 cũng mở ra không gian kết nối đầu tư, kết nối đổi mới sáng tạo chuyên sâu dành riêng cho khoảng 70 quỹ đầu tư, ngân hàng, định chế tài chính Việt Nam và quốc tế cùng hơn 200 doanh nghiệp và startup đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự thay đổi môi trường sống tự nhiên do tác động của con người đang gây ra những ảnh hưởng không đồng đều tại các quốc gia. Theo một báo cáo của tổ chức Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 05 nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 Việt Nam cùng nhiều nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Sự dịch chuyển xanh này ước tính sẽ tạo ra các ngành công nghiệp với giá trị hơn 10 ngàn tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế thế giới vào năm 2050.

“Chúng ta muốn đột phá thì điều đầu tiên chúng ta phải đi theo được những xu thế chung của thế giới. Đặc biệt là chúng ta phải nắm chắc những cái cơ bản của sự dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Phạm Phú Trường – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC; Chủ tịch, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), chia sẻ tại diễn đàn.“Một trong những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế xanh đó là đổi mới sáng tạo.”

Theo ông Trường, đổi mới sáng tạo xanh không chỉ cần làm đủ tốt (nice) như việc phục vụ các yếu tố bảo vệ môi trường, mà còn cần phải làm đúng (right) trong việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình, tiêu chuẩn, theo sát yếu tố nhu cầu và cạnh tranh trong thị trường. 

Các quốc gia đang chống lại biến đổi khí hậu bằng việc đưa ra những luật chơi xanh, rào cản xanh để những công ty không đạt được tiêu chí này sẽ bị loại ra khỏi thị trường”, ông nói. “Đổi mới xanh là con đường duy nhất để sống sót, không chỉ cho con người mà là cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030; được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Chik Wai Chiew – Giám đốc điều hành tại Heritas Capital nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á và có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi địa chính trị mà Việt Nam đang là một trong những bên giành được nhiều thắng lợi nhất. Phát triển bền vững là đề tài được quan tâm nhất hiện nay và theo đó tôi cho rằng Việt Nam là một trong những nơi hàng đầu có thể cho phần còn lại của khu vực thấy được phát triển bền vững nên được thực thi như thế nào.

Tháng 06/2023; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết 98 đã trao cho thành phố nhiều không gian để triển khai đổi mới sáng tạo mạnh mẽ làm điển hình cho cả nước. Trong đó, thành phố được tạo điều kiện thí điểm cơ chế tài chính trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, sử dụng ngân sách thành phố để khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch. Ưu tiên thu hút đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ năng lượng sạch và đặc biệt là hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên thông qua chính sách ưu đãi thuế.

Chia sẻ về những cơ hội trên, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: với cách tiếp cận của lãnh đạo thành phố ngày nay thì “Xanh” không chỉ có nghĩa là đi bảo vệ môi trường hay giải quyết các vấn đề xã hội, mà Xanh là lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong phát triển kinh tế.”

Ông nhấn mạnh rằng TP.HCM đã tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng không còn như mong đợi ở mức hai con số nữa. Do đó thành phố đã và đang chọn cách tiếp cập khác, hướng suy nghĩ khác trong một năm rưỡi phục hồi sau đại dịch COVID-19 vừa qua. Trong những cái khác đó, hai cái quan trọng nhất là ‘xanh’ và ‘số’ – chủ đề của InnoEx ngày hôm nay,” ông Vũ nói.

Theo đó, ông Vũ tiết lộ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cùng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tuần Hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc Gia TP.HCM đang xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh cho TP.HCM theo 05 nguyên tắc: lấy con người làm trung tâm, bám sát chiến lược hành động quốc gia, tích hợp vào các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, phối hợp nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực công và tư, dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí của khu vực và thế giới.

Đề án về định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030; do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra cũng xác định TP.HCM sẽ thí điểm chuyển đổi 05/17 khu công nghiệp theo hướng nhấn mạnh yếu tố xanh. TP.HCM cũng đang thực hiện thí điểm chương trình xây dựng khu vực Cần Giờ trở thành khu đô thị tiêu biểu net-zero (trung hòa carbon) đến năm 2030.

Các chuyên gia đồng tình rằng còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “xanh” và “bền vững” tại Việt Nam, trong đó đặc biệt thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của không chỉ những nhà nghiên cứu, nhà sáng lập, mà còn cả các doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư.

Năm 2022, thống kê từ DealStreetAsia cho biết lượng vốn đầu tư cho các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ đô la Mỹ, thể hiện sức quan tâm ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, lượng vốn này vẫn còn rất nhỏ khi so sánh với nguồn đầu tư cho các loại hình công nghệ khác. Các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu từ Việt Nam cũng chỉ thu hút 5.3% tổng lượng vốn cho lĩnh vực này tại khu vực.

Phát biểu tại sự kiện, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết: hiện có rất ít nguồn lực tham gia và lĩnh vực này để hỗ trợ cho những công ty theo đuổi một nền kinh tế trong tương lai, không chỉ bằng đổi mới sáng tạo mà còn là đổi mới sáng tạo một cách bền vững. “Green Innovation Fellowship sẽ là giải thưởng, cuộc thi dành riêng cho những công ty có công nghệ giúp người dùng có ý thức trong việc tăng trưởng mà không “vay mượn” của tương lai. Các Doanh nghiệp hướng tới Green, nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới dựa trên ĐMST xanh và phát triển bền vững sẽ cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn thông qua tiếp cận các nguồn tài chính xanh, kết nối thị trường và những nguồn lực khác từ quốc tế. Đó là sứ mệnh lớn nhất mà Green Innovation Fellowship hướng đến.”

Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), Công ty Cổ Phần Xúc Tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đồng tổ chức Green Innovation Fellowship tại InnoEx 2023, lựa chọn ra Top 10 dự án tiềm năng nhất để trình bày và giới thiệu giải pháp của mình tại sự kiện. Dự kiến 5 nhóm xuất sắc sẽ được lựa chọn tham dự chuyến đi đổi mới sáng tạo xanh tại Singapore được ban tổ chức phối hợp thực hiện cùng Amazon Web Service Singapore.

Về phía các nhà đầu tư tham dự InnoEx năm nay, Bà Nguyễn Khánh Vân, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần tư nhân (Director, Private Equity), CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), một trong những nhà đầu tư giai đoạn đầu của kỳ lân công nghệ MoMo, cho biết: công ty không cho rằng yếu tố công nghệ là điều kiện tiên quyết cho thành công của startup mà phải là tính ứng dụng của những công nghệ đó trong một thị trường tiềm năng đủ lớn.

Ngoài các yêu cầu về đội nhóm và giai đoạn phát triển, bà Vânkỳ vọng các startup có thể chứng minh được sự phù hợp của giải pháp tại Việt Nam: các giải pháp đã được chứng minh tại các thị trường đang phát triển khác tại Đông Nam Á là một trong những chỉ báo tốt. Liệu rằng các bạn có thể suy nghĩ và tạo ra những thay đổi phù hợp khi mang những mô hình đó về Việt Nam với đặc thù riêng về con người và văn hóa hay không? Liệu rằng cơ sở pháp lý và nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giải pháp này về lâu dài? Đó là những câu hỏi tôi đặt ra trước khi quyết định đầu tư.

TVS cho biết công ty có thể đầu tư vốn mạo hiểm từ 1-5 triệu đô cho startup ở giai đoạn Series A, cũng như có nguồn vốn để cung cấp các khoản vay ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp.

Bà Angela Tay, nhà đầu tư tại AgFunder chia sẻ quan điểm tương tự khi cho biết AgFunder tập trung vào những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính quốc tế nhưng phù hợp với thị trường nội địa, đặc biệt là những giải pháp giúp đổi mới chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp tại các nước có thế mạnh về lĩnh vực này như Việt Nam: tôi rất vui khi biết rằng thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài đang quay trở lại đóng góp cho sự phát triển quốc gia hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong thập kỷ tiếp theo. Các bạn có thể mang những giải pháp hiệu quả ở các quốc gia khác về và cố gắng bản địa hóa nó theo nhu cầu địa phương.

Khoảng 70 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế khác có mặt tại Investment Zone của InnoEx cũng đã có thời gian gặp gỡ, trao đổi với 200 startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tham dự sự kiện để mang lại những cơ hội cũng như sự hỗ trợ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của các dự án.

Thảo luận về xu hướng đầu tư tạo tác động (impact investing), các nhà đầu tư thống nhất rằng đầu tư lĩnh vực này đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự kỹ càng hơn trong việc đo lường và thể hiện sự tác động của giải pháp tới xã hội. Do đó, việc thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền cũng gặp nhiều trở ngại hơn so với các giải pháp công nghệ trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh khác.

Bà Tay khuyên startup có giải pháp trong các mảng về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cần có kế hoạch gọi vốn trong thời gian dài hơn các startup ở các lĩnh vực khác. Các nhà sáng lập cũng nên mở rộng tiếp cận các nhà đầu tư không chỉ tại châu Á mà còn ở châu Âu, châu Mỹ vì đa số các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang xuất hiện nhiều hơn ở phía bên kia bán cầu.

Trong khi đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân trong những năm qua sụt giảm nặng nề lên đến 40-50%, đầu tư trong mảng tạo tác động (impact investment) chỉ giảm 7%. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực có sức bền tốt trong giai đoạn khủng hoảng. Các nhà đầu tư impact vẫn còn khá nhiều nguồn vốn sẵn có để phân bổ cho các startup thực sự chất lượng mà họ đang tìm kiếm trên thị trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *