Bình Chánh những ngày cuối tháng Tư nắng đổ lửa, chói chang trắng xoá con đường sắc tím bằng lăng rực rỡ; tôi cùng cô Bảy Oi, nữ giao liên – dân công hỏa tuyến tìm về nhà những người đồng đội cũ năm xưa…
Sắc tím bằng lăng mộc mạc hôm tôi ghé đến thăm cô Phạm Thị Oi (cô Bảy Oi) như thắm màu hơn. Nhánh bằng lăng cứ mãi lay lay trong gió như vẫy chào khách quen ghé đến Bình Chánh – vùng đất hào hùng một thời khói lửa chiến tranh ngày ấy.
Vĩnh Lộc A – Bình Chánh thân thương với những con đường mang tên mẹ Việt Nam anh hùng, chiến sĩ Cách mạng, địa chỉ đỏ Di tích lich sử Dân công hỏa tuyến, Khu tưởng niệm bộ đội An Điền…
Những ngày tháng Tư nắng quái, trên con đường ghé thăm cô Bảy, ruộng rau bên đường vẫn xanh um tràn đầy sức sống.
Chuyến về Bình Chánh lần này mang nhiều kỷ niệm thân thương cùng câu chuyện đời thường xúc động. Những chuyện mà thời gian đã dần lãng quên hình ảnh các cô gái giao liên bà ba sờn vai áo, quần xắn quá gối, tong tả cái gọng cá đầy ụ (giỏ mây đựng cá) bên bờ mương; đầu đội nón lá che nghiêng làn da bánh mật, rộn rã tiếng cười giòn tan bên chiến tuyến năm nao.
Phía sân sau, cô Bảy thị phạm công tác đào hầm cũng như bật mí cách giấu miệng cửa hầm dưới chuồng heo để tránh bị chó becgie phát hiện.
Một số dụng cụ đào hầm và chiếc gàu múc làm từ mảnh pháo sáng dùng để chuyển đất đào hầm cô Bảy cất kỹ để dành trong kho.
Bên những hiện vật cũ, cô Bảy xa xăm nhớ chuyện xưa; bất chợt cô nói: “Để soạn mấy chiếc khăn mu-soa hồi đó dùng để nắm cơm vắt, giờ đem ra nấu lại, bây ăn coi thử ngon không”.
Thấy tôi lần chần ngoài hiên, cô Bảy Oi xuýt xoa reo vui, rồi lỉnh kỉnh tay nồi, tay giỏ xách ra bày trước hàng ba khoe liền, đây nè, mấy cái món đồ tuy cũ kỹ này, ngày xưa dùng để đào hầm, xách đất giấu bộ đội, cái nồi to nấu cơm khao quân ngày hòa bình, còn có cái giỏ bắt đi đồng cá nữa…
“Ngày đó, bởi thương bộ đội, mấy anh vừa về là lội ra đìa, ra ruộng bắt con cá, con lươn, con ếch… xong le te trở lên chụm củi, bắt bếp kho liền; đôi ba phút là bốc khói đưa hương thơm lựng”, cô Bảy hồi tưởng.
Cơm lúa mới vừa chín tới, tỏa hương ngào ngạt, bắt xuống gói từng nắm trong khăn mu-soa (khăn tay).
Chiếc khăn tay ngày ấy cùng bao tháng ngày, nay đã sờn cũ sờn, úa màu nhưng tình cảm thân thương cô Bảy luôn trân trọng, giữ gìn.
Cá kho xong, gói lá chuối cột lên trên; mỗi anh một nắm đùm theo. “Thời chiến, tuy cực khổ mà thương nhau dữ lắm bây ơi”, cô Bảy xúc động kể.
Nhớ thời đó, gánh rau đi bán rồi mua ít tóp mỡ, nước tương về để mấy anh đào hầm có cái ăn. Có hôm mới trốn ra một đoạn gần tới ruộng trên, bị tụi lính ngó thấy, dí rượt chạy, té lăn ùm xuống mương. Mặt mũi lấm lem bùn đất, lóp ngóp bò lên, tụi lính ngó thấy mắc cười tha cho, chứ không cũng no đòn rồi.
“Lúc đó nhỏ con mà gan lì dữ bây, cứ đu theo mấy anh đi hoạt động. Rồi cũng nhờ bà con lối xóm thương nên mới làm được. Hễ có tin tức gì thì người này chạy tới, người kia chạy lại nói nhỏ mới biết đường mà đi hoạt động. Lần hồi riết quen, đi mần liên lạc cho mấy anh, mấy chú”, cô Bảy nói.
Mỗi lần vượt trạm, an toàn về tới là mấy ổng mừng, ôm mình xuýt xoa thương lắm. Chiến đấu gian khổ, đêm nào đi làm nhiệm vụ, cầm tay dặn dò thiệt kỹ… Thuở đó mới chừng 15 – 16 tuổi đã làm giao liên, bộ đội kêu gì làm nấy. Ban ngày đi làm mặc đồ màu này, đêm đến là thay bộ khác ra để khỏi bị nghi ngờ, phát hiện.
“Mà hồi đó nhỏ con, mặt mũi đen hẻm, tóc tai dựng ngược, nhỏ xíu. Nói ra mắc cười chứ còn chưa biết mặc áo ngực, cứ cái áo con mặc trong, nhìn ngơ ngơ vậy đó. Đi làm nhiệm vụ nguy nan chứ lúc nào cũng hát ca, thơ vè, phụ họa theo mấy ổng hò lơ vài ba câu vọng cổ…”, cô Bảy cười xòa, hứng khởi kể tiếp.
Chiến tranh gian khổ, khó khăn bộn bề, giờ đây có tuổi rồi, nhìn lại mấy kỷ vật này lại thương nhớ các anh chị, cô chú nhiều hơn, cô Bảy tâm sự.
Mấy cái hiện vật xin chỗ này chỗ khác, gom lần cất lại kỷ niệm; nhiều nơi xin nhưng cô không cho, nghĩ bụng để dành lưu niệm một thời mình hoạt động. Nhìn lại thấy nhớ đồng đội, nhớ khoảng thời gian gắn bó với mình, với đồng đội, không nỡ cho đi.
Cũng bởi cái duyên, mấy tháng trời ngó mấy đứa lặn lội, đội nắng lần tìm khắp đất Bình Chánh, làm công tác truy tìm hiện vật cho Khu di tích, thấy thương. Rồi cũng vì thương và nặng lòng với Khu di tích 32 Dân công hỏa tuyến, tình cảm cũng gắn bó như mình, cô cảm thấy an tâm mới mang hiến tặng, coi như gửi gắm mấy đứa giữ giùm vậy.
Nững hiện vật trưng bày, không những là vật dụng bình thường mà còn mang giá trị lịch sử, để giáo dục thêm cho các thế hệ trẻ, thầy Sơn khẳng định.
Hôm xuống thuyết minh, giới thiệu tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến xong, bất ngờ gặp lại thầy Nguyễn Ngọc Sơn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cầu Xáng Bình Chánh, cũng là người lính năm xưa. Thầy nhìn nhận, lâu nay công tác sưu tầm các hiện vật lịch sử quả thật khó khăn và phải tâm huyết mới làm được.
“Đi sưu tầm các hiện vật về trưng bày, phục vụ cho học sinh học tập lịch sử cũng như khách tham quan, tìm hiểu sẽ làm phong phú và góp phần nâng cao giá trị lịch sử của Khu di tích. Điều đó rất quan trọng, phải dày công và đi sưu tầm được những hiện vật như vậy thì vô cùng tốt, rất đáng quý…”, thầy động viên, bắt tay tôi thật chặt.
Khu di tích Dân công hỏa tuyến tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Nặng lòng bởi những tình cảm cha ông gửi gắm, tôi lại cùng cô Bảy tiếp tục rong ruổi trên con đường nữ Dân công hỏa tuyến, đi sâu vào những con đường, hẻm nhỏ quanh co đến khi nắng chiều dần buông, soi những tia óng vàng, dát lên những liếp rau bên đường, lăn tăn soi bóng hàng cau trên mặt ao gợn sóng.
Hiện nay, Khu di tích Dân công hỏa tuyến đang đề xuất và hoàn tất hồ sơ xếp hạng Di tích cấp quốc gia; đồng thời nâng cấp thêm Không gian trưng bày kết hợp với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nên việc sưu tầm, trưng bày hiện vật là rất cần thiết để làm phong phú thêm nội dung. Góp phần đáp ứng đầy đủ yêu cầu học tập và các đối tượng khách tham quan.
“Khu di tích Dân công hỏa tuyến là một trong các địa chỉ đỏ của huyện Bình Chánh, là nơi giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần gìn giữ truyền thống đấu tranh của dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”, ông Nguyễn Văn Tâm, Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý các di tích lịch sử, văn hóa huyện Bình Chánh tâm huyết nói.
Phần 2: Có một Đồng Lộc giữa lòng Thành phố
Và cứ thế, mặc cho nắng chiều oi ả, hầm hập những ngày nắng nóng, chặng tiếp theo, hai cô cháu lại đèo bòng, ghé đến nhà cô Ba Phin – nơi mà câu chuyện thời chiến cùng những kỷ niệm, kỷ vật về đồng đội, những gian khó một thời hay những bài ca đẹp về tình yêu đôi lứa trong khói lửa cuộc chiến sẽ được tiếp nối câu chuyện của Dân công hỏa tuyến đất Bình Chánh anh dũng…
Nguồn: tapchidulich – Nhạn Dung