Hữu Long
Khung cảnh núi đá như được phủ một màn tuyết trắng xoá, Đèo Thung Khe (Đá Trắng) uốn lượn, quanh co như dải lụa mềm vắt ngang sườn núi, ẩn hiện huyền ảo trong màn sương buổi sớm.
Nơi đây được giới săn ảnh đánh giá có khung cảnh tuyệt đẹp như vùng núi tuyết Bắc Âu.
Giới trẻ cũng thường chọn Mỏm núi đá trắng làm điểm checkin trên hành trình về Vùng cao Tây Bắc.
Men theo lối phía sau, du khách có thể leo lên nhưng bậc đá cheo leo để lên tới cột cờ. Tuy nhiên việc này khuyến cáo không nên vì rất nguy hiểm.
Năm nay Đông về muộn nhưng vội, cuốn theo từng cơn Bấc buốt giá, mang theo cái rét đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc. Hành trình về nguồn cứ thế vùn vụt trôi qua, đường tiếp nối đèo, ruộng tiếp nối rừng cây chạy thẳng vào chân núi. Tít xa trong tầm mắt, dãy Hoàng Liên thăm thẳm, tĩnh lặng ngắm đoàn xe cắn đuôi nhau trườn lên dốc núi.
Cung đường đèo như dải lụa mềm vắt ngang sườn núi nối liền hai huyện Mai Châu và Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, đèo Thung Khe cách Hà Nội khoảng độ 120 km, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Vào những buổi sớm mai hay hoàng hôn muộn, cung đèo chìm trong biển sương, mù mây tuyệt sắc.
Đèo Thung Khe hay theo cách người dân địa phương thường gọi “Đèo Đá Trắng”, được đặt tên từ khi phá núi, mở rộng quốc lộ 6; từng mảng đá vôi trượt xuống từ đỉnh núi, vung vãi tràn khắp triền đá đã tạo nên một tuyệt tác thiên nhiên tuyệt mỹ. Cả một vùng phủ trong màu trắng xóa tựa như những ngọn núi tuyết nào đó ở trời Âu.
Dừng chân trên đèo Đá Trắng, cảm nhận rõ cái không khí buốt giá trong màn sương sớm buổi đầu Đông.
Bắt gặp một cặp tình nhân âu yếm, tay trong tay, chụp hình cho nhau trên lưng chừng đỉnh mỏm đá, tôi đến bắt chuyện làm quen, thăm hỏi. Anh Phan Hà Tiến, Công nhân KCN Thăng Long vui vẻ nói, đợt này công ty hết việc, tạm ngưng sản xuất chờ nhập liệu, chúng tôi tranh thủ chạy xe máy về Điện Biên chơi, nhân tiện ra mắt người yêu. Đây là điểm đầu tiên tạm dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh thư giãn sau chặng đường từ tít mãi Đông Anh (Hà Nội) lên.
Nghe nói nhiều về cảnh sắc nơi đây, nhưng quả thật, phải tận mắt nhìn mới thấy hết vẻ hùng vĩ và choáng ngợp vẻ đẹp thiên nhiên nơi này. Bọn em phải lần mò trèo lên đỉnh núi đá, để được phóng tầm mắt trải rộng khắp thung lũng, ngắm nhìn cung đèo quanh co ban nãy vừa đưa mình đến, cảm giác thật tuyệt vời, cô bạn gái tên Lan Anh tiếp lời.
Thung Khe như dải lụa mềm vắt ngang triền núi, gánh từng đoàn xe nối đuôi vượt đèo.
Cung đường quanh co, uốn lượn, cùng với phong cảnh núi non hùng vĩ, tuyệt đẹp khiến bao lữ khách mê say.
Khách lãng du trên hành trình lên Tây Bắc không thể không dừng chân nơi Mỏm đá trắng cách đỉnh đèo Thung Khe chưa tới trăm mét.
Nhóm bạn trẻ cũng chọn Mỏm đá trắng làm điểm dừng chân trong chuyến hành trình ngắn, phiêu lưu tuổi học trò, Trần Thụy Vàng Anh thích thú nói, em thật ấn tượng khi đến đây sau những khúc cua tay áo, thấp thoáng đỉnh đèo trắng toát, thoắt ẩn thoắt hiện trong mù sương, đẹp lạ lùng luôn í.
“Anh lên thêm một đoạn nữa, trên đỉnh đèo có dãy hàng quán ven đường cùng nhiều món quê hấp dẫn lắm. Có cả thịt xiên, khoai nướng, ngô luộc… cầm trong tay vừa ấm vừa ngon”, Vàng Anh xuýt xoa nói.
Thật vậy, nơi quán nhỏ nhìn xuống thung lũng thưởng thức món quê dân dã thơm nồng và ấm nóng như ngô luộc nóng hổi hay xiên thịt nướng thơm lừng béo ngậy bên bếp lửa hồng, nhấp ngụm rượu cần ủ men nồng đặc sản của Hòa Bình để đưa cay thì còn gì tuyệt thú bằng.
Hay đơn giản hơn với phong kẹo lạc, hớp thêm ngụm trà nóng hôi hổi trong cái buốt giá buổi đầu Đông nữa thì khác nào tiên cảnh trần gian.
Trên đỉnh đèo, hàng quán ven đường buôn bán sản vật địa phương và là điểm tạm dừng chân cho bao lữ khách.
Bà Hoàng Thị Duyên, cư dân bản địa thỉnh thoảng phe phẩy chiếc quạt nan cho đám than thêm hồng và xua bớt đám khói trắng tỏa ra từ lớp lá ngô đang ngúm lửa, bà Duyên chia sẻ, ở đây trong ngày có đủ cả 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông.
Việc làm ăn, buôn bán đem lại thu nhập cũng khá, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón tiếp vài chục khách, kể cả khách ngoại quốc đi ngang đây mùa này khá nhiều.
“Họ thường từng tốp 4 – 5 người tự chạy xe máy lên, tạm dừng chân trên hành trình khám phá Vùng cao Tây Bắc, ghé qua ngắm cảnh và thưởng thức đặc sản địa phương dân dã của bà con”, bà Duyên cho hay.
Mỏm đá trắng là điểm đến checkin không thể bỏ qua của du khách.
Từ mỏm núi đá có thể trải rộng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng.
Ẩn trong mù mây buổi sớm, lô xô vài ba nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông… xen kẽ.
Cảnh vật ẩn hiện trong mù mây tưởng chừng như lạc nơi xứ nào của miền cổ tích.
Đoạn gần lên đỉnh đèo có “Mỏm núi đá nhọn”, trên đỉnh cắm lá cờ Tổ quốc, bọn trẻ thường thích đưa nhau lên ngắm cảnh và chụp hình. Tôi phải thường xuyên nhắc nhở leo lên cẩn thận vì đá vôi rất mềm và dễ vỡ, nhất là những khi mưa gió, bà Duyên lo lắng nói.
Quả thật, leo lên mỏm đá chênh vênh có thể thu gọn trong tầm mắt cả một vùng không gian hùng vĩ của cung đèo và thung lũng bên dưới, nhưng việc này vô cùng nguy hiểm. Thiết nghĩ, địa phương nên đặt bảng hạn chế và cảnh báo du khách.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chụp ảnh lưu niệm đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM trên đèo Đá trắng trong hành trình về nguồn “Qua miền Tây Bắc” (12/12 – 16/12/2023).
Lên xe rời đi cho kịp hành trình, Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tiếc nuối, phải chi đoàn dừng thêm một chặng trên đỉnh đèo nữa thì sẽ “săn” thêm loạt ảnh còn tuyệt vời hơn; nhất là cảnh sinh hoạt của bà con, du khách nhộn nhịp, xúm xít sưởi ấm bên bếp khoai nướng, ngô luộc và thu được toàn cảnh Mỏm núi tuyết ban nãy vào ống kính thì còn tuyệt vời nữa…
Tôi đồng cảm an ủi, không sao anh, những điều chưa trọn vẹn lại càng khiến ta muốn quay trở lại và quay trở lại thêm nhiều lần nữa để có thể thong dong tự tại nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh này.
Thôi tùy duyên vậy, hẹn chuyến khác sẽ trở lại, nhất định thế!
Nguồn: tapchidulich – Hữu Long