Tối ngày 25/9 (nhằm ngày 11/8 âm lịch), Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Hội Sân Khấu TP.HCM và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ giỗ tổ sân khấu và kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam năm 2023 tại Nhà hát Thành phố.
Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của quý Lãnh đạo, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH &TT TP.HCM, Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân Khấu TP.HCM, cùng các vị khách cùng các anh chị em nghệ sĩ, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.
Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày giỗ Tổ sân khấu) hằng năm là dịp để văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước tưởng nhớ và tri ân các vị tổ nghề, các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Giổ tổ sân khấu là một nghi lễ văn hóa gắn liền với tín ngưỡng truyền thống nghệ thuật Việt Nam. Đối với những nghệ sĩ sân khấu, ngày giỗ tổ nghề có ý nghĩa tâm linh rất lớn, là dịp dâng hương lên Tổ nghề, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu độc đáo có giá trị, làm giàu cho bản sắc văn hóa, đồng thời tri ân các thế hệ nghệ sĩ đi trước, tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn nghệ sĩ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu. Từ đó, các thế hệ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến và lan tỏa nghệ thuật, những giá trị chân – thiện – mỹ đến với cộng đồng.
Cứ vào dịp này hằng năm, trong không khí đầm ấm, thân tình Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phố phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố, Hội Sân khấu Thành phố, các Doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, tổ chức tri ân, trao quà cho một số nghệ sĩ cao tuổi và trao bằng khen biểu dương cho những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền sân khấu thành phố, thể hiện tấm lòng quan tâm, sự chia sẻ của các cấp lãnh đạo và các cơ quan, ban, ngành đối với sự cống hiến của các văn nghệ sĩ.
Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu đã tồn tại từ lâu đời nay, đầu tiên chỉ là giỗ Tổ ngành kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, hát bội… Sau đó dần dần tất cả các loại hình sân khấu khác như kịch nói, rồi các ca sỹ, kể cả các nghệ sỹ trong giới showbiz như người mẫu, MC… cũng lấy ngày này để tôn vinh nghề. Chính vì vậy, ngày giỗ Tổ sân khấu hàng năm tại TP. HCM đã trở thành nét văn hóa rất đặc sắc. Tại hầu hết các sân khấu và nhà hát, các đơn vị làm nghệ thuật kể cả tư nhân lẫn công lập đều làm bàn thờ tổ nghề để các anh chị em nghệ sĩ cùng nhau đến dâng những nén hương thơm, bày tỏ lòng thành kính đến với các bậc tổ nghề. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, góp phần tiếp bước các thế hệ đi trước, gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu.
Nhiều năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố đã phát triển mạnh mẽ, với những thế hệ kế thừa liên tục, xứng đáng thành tựu mà các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp, góp phần quan trọng trong xây dựng nền văn học nghệ thuật thành phố. Nghệ thuật sân khấu trong bức tranh chung của sự phát triển văn học nghệ thuật đã thể hiện sự đa dạng, phong phú và sức sống mạnh mẽ kể cả trong điều kiện nhiều thử thách, khó khăn nhất, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với nền sân khấu của nước nhà.