Nếu không có cơ chế vượt trội, TPHCM sẽ mất hàng thế kỷ để làm 500 km đường sắt đô thị

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư, diễn ra vào sáng 10/8 tại TPHCM. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì.

Nếu không có cơ chế vượt trội, TPHCM sẽ mất hàng thế kỷ để làm 500 km đường sắt đô thị- Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Phan Văn Mãi, thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy TPHCM đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị Thành phố, mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước để góp ý cho đề án này.

Nội dung cơ bản của đề án là, dự kiến đến năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng thêm 183 km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%.

  • Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm tại Đông Nam Bộ

Đến năm 2045, Thành phố có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352 km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40-50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM với tổng chiều dài là 510 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.

Để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị này, ông Mãi nhìn nhận, TPHCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, Thành phố xác định nhu cầu vốn ở các mốc như: Đến năm 2035, Thành phố cần khoảng 36 tỷ USD; năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD.

Số tiền này được huy động qua các nguồn: Nguồn đầu tư công của Thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách Thành phố.

“Để triển khai đề án này, Thành phố kiến nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, trong giải phóng mặt bằng, trong huy động vốn và quản lý”, ông Mãi nhấn mạnh và cho biết, nếu không có cơ chế vượt trội mà cứ thực hiện theo quy trình đầu tư công thì Thành phố mất 20 năm để làm 20 km Metro số 1, như vậy để làm 500 km sẽ mất hàng thế kỷ.

Cụ thể, TPHCM dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, huy động vốn, thủ tục dự án.

Ông Mãi cho biết, thời gian qua, TPHCM đã trình đề án này cho Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, trình HĐND Thành phố. Hiện Thành phố đang phối hợp với Thủ đô Hà Nội và Bộ Giao thông để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

3 vướng mắc đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Về dự án đường Vành đai 3 TPHCM, ông Mãi cho biết hiện có 3 vướng mắc, đó là cát cho khối lượng xây lắp; giải phóng mặt bằng ở 4 địa phương, trong đó Đồng Nai là nhiều nhất và tiến độ của một số hạng mục. Các địa phương có dự án đi qua đã thống nhất sẽ ngồi lại để đánh giá và cố gắng bảo đảm tiến độ đến tháng 1/2026 sẽ thông xe kỹ thuật và quý II/2026 hoàn thành dự án.

Đối với dự án Vành đai 4 TPHCM, về giải phóng mặt bằng, ông Mãi cho biết, ngoài TPHCM tự bảo đảm nguồn vốn, các địa phương có dự án đi qua kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50%, riêng Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ 75%.

Nếu không có cơ chế vượt trội, TPHCM sẽ mất hàng thế kỷ để làm 500 km đường sắt đô thị- Ảnh 3.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TPHCM và đoàn công tác đã làm việc với TPHCM về kết quả phát triển kinh tế – xã hội Thành phố và thực hiện Nghị quyết số 98.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn”. 

Qua hơn 1 năm Nghị quyết số 98 có hiệu lực và 6 tháng kể từ Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện của Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, tình hình triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, các bộ, ngành đã hoàn thành 8/18 nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM và Quyết địnhđiều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ngoài ra, các bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, phối hợp triển khai 10 dự án, nhiệm vụ lớn: Phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM;Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thành phố; Dự án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; Dự án mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương; Xây dựng quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà;…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

ề phía TPHCM, để thực hiện Nghị quyết 98, đến nay Thành phố đã thông qua 35 nghị quyết của HĐND, 33 quyết định của UBND Thành phố và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ.Thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã có hàng chục nghìn lượt khách hàng vay vốn; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội; đã ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao; HĐND Thành phố đã quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đã bước đầu phát huy hiệu quả; đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, phân cấp phân quyền cho TP. Thủ Đức.

“Có thể nói Nghị quyết 98 đã được triển khai với tốc độ nhanh, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả ngay, đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2024”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, với quyết tâm cao của các bộ, ngành và đặc biệt là TPHCM nhằm triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định tại Nghị quyết 98.

Một số bất cập và giải pháp trọng tâm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 còn tồn tại các hạn chế, như: Đôi khi các bộ, ngành còn phối hợp, triển khai chậm, các ý kiến tham gia chưa rõ, chưa kịp thời; một số nhiệm vụ tại Nghị quyết 98 được các bộ, ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian; nhiều đề án, dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng chưa xác định được nguồn vốn để bố trí ngay trong giai đoạn 2021-2025; một số chính sách cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã kiến nghị các giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TPHCM triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 27/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98 theo đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét.

Thứ hai, giao UBND TPHCM tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà đầu tư chiến lược, triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư (quỹ đầu tư tài chính địa phương), triển khai nội dung tín chỉ carbon, các dự án TOD, phấn đấu sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong năm nay.

Thứ ba, giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, TPHCM tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, trong đó nghiên cứu các cơ chế chính sách vượt trội, tiếp cận được các mô hình đã thành công trên thế giới báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11/2024.

Thứ tư, đề nghị Thành phố cần có giải pháp quyết liệt trong 5 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để được áp dụng điều khoản thưởng, đầu tư trở lại theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Thứ năm, đề nghị Thành phố rà soát quá trình triển khai các cơ chế xem còn vướng mắc nào chưa phù hợp cho phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, xác định rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất kiến nghị, giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem xét, chỉ đạo xử lý./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *