Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ là dịp để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống và hình thành lối sống, nếp sống phù hợp, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất Cần Giờ.
Trong khuôn khổ lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ 2024, sáng nay 16/9, BTC lễ hội đã thực hiện nghi thức thượng Đại kỳ mở đầu cho các hoạt động của sự kiện.
Ban tế tự Hội Vạn Lạch thị trấn Cần Thạnh thực hiện nghi thức thượng Đại kỳ trước sự chứng kiến của hàng ngàn ngư dân cùng các đại biểu, quan khách.
Chương trình lễ hội diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18/9 với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung mang đậm nét truyền thống dân gian…
Thông lệ hàng năm, đây là dịp ngư dân cùng gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Thần Nam Hải; dù làm việc gì, ở đâu, ngư dân cùng gia đình sắp xếp quay về quê hương tham gia nghi Lễ và các hoạt động Hội vui nhộn.
Đồng thời truyền lại cho nhau những câu chuyện huyền thoại về công lao của thần Nam Hải đã cứu giúp ngư dân mỗi khi có giông bão và đồng thời nhờ sự phù hộ của Thần nên ngư dân có được những mùa đánh bắt bội thu.
Năm nay, lễ hội đánh dấu 111 năm hình thành và phát triển, cũng là cột mốc 11 năm Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Nguyễn Phước Hưng cho biết, theo thông lệ của ngư dân, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8, tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với các nghi thức lễ dân gian…
“Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống và hình thành lối sống, nếp sống phù hợp, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất Cần Giờ”, ông Nguyễn Phước Hưng nhấn mạnh.
Được biết, để ủng hộ và chia sẻ với đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3 – Yagi ở miền Bắc, lễ hội năm nay cắt giảm một số nội dung phần hội.
Tuy nhiên các hoạt động tại lễ hội Nghinh ông Cần Giờ 2024 vẫn không kém phần hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự.
Đoàn rước lễ diễu hành nghi thức thỉnh Đại kỳ qua các cung đường tại thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM.
Lễ thượng Đại kỳ diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức: thỉnh đại kỳ, tiếp đại kỳ và nghi thức thượng đại kỳ Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024 đánh trống khai mạc Lễ thượng Đại kỳ.
Năm 2013, Bộ VHTT&DL đã công nhận Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ – TPHCM là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tại nghi thức lễ, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cần Giờ cũng phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 – Yagi.
Ông Nguyễn Phước Hưng cùng các đại biểu đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Các đại biểu và người dân cùng hưởng ứng vận động đóng góp ủng hộ.
Đông đảo bà con ngư dân huyện Cần Giờ chia sẻ khó khăn cùng đồng bào miền Bắc.
Tiếp theo sau nghi thức Thượng Đại kỳ, giải đua xe đạp trẻ TP.HCM chính thức lăn bánh. Các đội chia thành 2 lượt tranh tài lần lượt 4 vòng và 8 vòng đua quanh thị trấn Cần Thạnh.
Chặng đua sẽ băng qua các cung đường đẹp của thị trấn Cần Thạnh như: Lương Văn Nho, Đào Cử, Tắc Xuất, Duyên Hải…
Các tay đua trên cung đường Duyên Hải, băng ngang qua Quảng trường Rừng Sác, Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác…
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM về việc giảm tần suất, quy mô các hoạt động lễ hội nhằm chia sẻ khó khăn với bà con đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 đã giảm quy mô.
“Điểm nhấn của lễ hội là phần biểu diễn nghệ thuật ánh sáng với 250 máy bay không người lái để tái hiện những hình ảnh đặc trưng của Lễ hội Nghinh Ông, Lăng Ông Thủy Tướng và hình ảnh về Cần Giờ”, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Nguyễn Ngọc Xuân cho hay.
Lễ hội vẫn giữ các hoạt động truyền thống như lễ thượng đại kỳ, lễ cúng tiền hiền hậu hiền bạn cũ lái xưa, lễ đưa Nghinh và rước Nghinh trên biển, lễ hội mừng công ngư dân Cần Giờ. Các hoạt động mang tính chất trình diễn, vui chơi trong lễ hội sẽ cắt giảm.
Một số hoạt động không thực hiện tại lễ hội năm nay gồm: các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: đờn ca tài tử; biểu diễn trống kèn thiếu nhi; biểu diễn lân – sư – rồng; trò chơi dân gian; hội thi trang trí, diễu hành xe hoa Lễ hội Nghinh Ông – Đêm hội trăng rằm; bắn pháo hoa hỏa thuật…
Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong hai đêm 17 và 18/9 tại sân khấu chính công viên Cần Thạnh cũng không diễn ra.
Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao cũng ngưng tổ chức: biểu diễn võ nhạc; giải bắn súng 3 môn phối hợp; đua xuồng chèo; biểu diễn dù lượn có động cơ; xiếc đường phố; giải đua cà kheo; bóng đá cà kheo…
Nguồn: tapchidulich – Hữu Long