Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐNB

Năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi 06 Hội nghị Xúc tiến thương mại và Phát triển XNK các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển XNK.

Ngày 31/07/2024; tại TP.HCM, đây là Hội nghị xúc tiến thương mại và Phát triển XNK vùng ĐNB thứ II, do Bộ Công Thương tổ chức sau Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2023, tại tỉnh Bình Dương.

Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng ĐNB nhấn mạnh: mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 05 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước nhưng vùng ĐNB là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Năm 2023; tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK của vùng năm 2023, đạt 220,5 tỷ USD, 06 tháng đầu năm 2024 – đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch XNK của cả nước. Hàng hóa XK của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do như:  Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Hoạt động các tỉnh – thành vùng ĐNB:

Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐNB, có vị trí quan trọng giao thương với Vương quốc Campuchia, Bình Dương và Bình Phước, TP.HCM, Long An. Có đường biên giới dài 240 km, với 03 cửa khẩu quốc tế là: Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam và 04 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ. 06 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,9%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước, xếp thứ 17/63 tỉnh – thành trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh đã có 01 Doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia, 06 Doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao, 88 sản phẩm OCOP từ 03 sao trở lên và nhiều sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khác, trong đó nổi bật là bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên – đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Tây Ninh.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là khoảng 687.356ha, trong đó: đất nông nghiệp khoảng 595.170ha (chiến 86,6%), đất phi nông nghiệp khoảng 92.113ha, đất chưa sử dụng khoảng 73ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khoảng 10.800 ha, tỷ lệ trang trại chăn nuôi heo, gia cầm an toàn khoảng 90%. Hình thành ít nhất 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 01- 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 -2.000 ha, phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đĐăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” ra thị trường nước ngoài.Duy trì phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ, có ít nhất 01 chỉ dẫn địa lý mới và 200 nhãn hiệu mới…

Tính đến nay; Đồng Nai có 32 KCN đi vào hoạt động, thu hút 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số 2.108 dự án. Trong đó, 1.456 dự án vốn đầu  tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 29.589,97 triệu USD, vốn thực hiện 22.714,81 triệu USD, đạt 77% so với tổng vốn đăng ký và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 79.329,50 tỷ đồng. Kim ngạch XK năm 2023 toàn tỉnh Đồng Nai đạt 21,62 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 70%, xuất siêu 5,91 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai (chiếm gần 50% KNXK toàn tỉnh), tập trung vào 03 thị trường: Hoa Kỳ đạt 6,23 tỷ USD, Trung Quốc đạt 2,24 tỷ USD, Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD. Nhóm các mặt hàng XK chủ lực năm 2023: có 07 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 01 tỷ USD, gồm:  giày dép các loại đạt 4,28 tỷ USD, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 2,26 tỷ USD, dệt may đạt 1,61 tỷ USD, sản phẩm gỗ đạt 1,32 tỷ USD, xơ sợi dệt các loại đạt 1,23 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,19 tỷ USD, máy vi tính – sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,11 tỷ USD. Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Xuân Quế – Sông Nhạn và KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp theo mô hình cụm liên kết ngành. Đến ngày 01/03/2023, UBND tỉnh đã có văn bản số 1675/UBND-KTN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý kiến về việc thực hiện cụm liên kết ngành dự án đầu tư KCN Xuân Quế – Sông Nhạn và KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp, 02 KCN này đã được đưa vào quy hoạch phát triển KCN đến năm 2030 theo Quyết định số 586/QĐ-TTg, với quy mô diện tích: KCN Xuân Quế – Sông Nhạn: 1.819,89ha và KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp: 2.000ha.

Bà Rịa-Vũng Tàu từ lâu đã là một trong 03 cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm ĐNB, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam. Với các điều kiện thuận lợi về phát triển logistics nêu trên, ngành logistics đã được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, lần thứ VII là một trong 04 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. 

Toàn tỉnh hiện có tổng cộng hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics. Về hạ tầng logistics cảng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu có 69 bến cảng được quy hoạch, trong đó có 50 dự án đang hoạt động với tổng chiều dài cầu bến là 17.735m, tổng công suất thiết kế là 180 triệu tấn/năm. Trong đó có 08 cảng container với công suất 8,3 triệu TEU/năm; cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với chiều dài cầu bến 10.988m, tổng công suất thiết kế là 155 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực ĐNÁ. Hiện, cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 03/2023.

Trong thời gian tới, với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được Trung ương triển khai tại Vùng ĐNB sẽ mang lại cho Vùng cũng như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mạng lưới giao thông vận tải đa phương thức tiên tiến, hiện đại, không chỉ kết nối xuyên quốc gia mà còn kết nối trực tiếp với các quốc gia trong hành lang kinh tế Xuyên Á, các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương bằng các mạng lưới như: đường biển: cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, đường hàng không: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ: cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 04 TP.HCM, đường sắt: Biên Hòa – Vũng Tàu với điểm đầu là Trảng Bom – kết nối tuyến đường sắt xuyên Á, tuyến đường sắt Biên Hòa – Cái Mép. 

Hợp tác phát triển kinh doanh:

Bà Trần Thị Ngọc Tú – Giám đốc Chiến lược Khối Thu mua – Công ty TNHH AEON Việt Nam chia sẻ: AEON bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm 2009, chính thức thành lập Công ty TNHH AEON Việt Nam vào năm 2011. Triết lý AEON “Theo đuổi Hòa bình, tôn trọng Con người, đóng góp cho Cộng đồng với việc lấy Khách hàng làm giá trị cốt lõi”, nguyện vọng của Khách hàng là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động kinh doanh của AEON Việt Nam. Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ II, sau Nhật Bản trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đang bước vào giai đoạn phát triển thứ hai với kế hoạch tăng tốc mở rộng quy mô và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009; Alibaba.com Việt Namkhông ngừng hỗ trơ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, XK trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các sản phẩm ở hơn 40 ngành hàng lớn.

Vùng ĐNB là vùng có số lượng doanh nghiệp, lao động nhiều nhất cả nước, tham gia sôi động vào các hoạt động ngoại thương. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, vùng ĐNB cũng đang đứng trước nhiều lực cản cho sự phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp của vùng cần có tầm nhìn chiến lược mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế, góp phần phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐNB xúc tiến thương mại (XTTM) thiết thực và hiệu quả mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *