HỘI NGHỊ QUỐC TẾ TIN HỌC Y TẾ LẦN III

Ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22
tháng 4 năm 2022. Nhằm tiếp nối những thành công tại Hội nghị HEALTHINFO I và II với nhiều vấn đề trao đổi đã được đưa vào thực tiễn hoạt động của ngành y tế, Hội Khoa Học Kinh Tế Y Tế Việt Nam (VHEA), Trường Đại Học Học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM, Khoa Y – ĐHQG TP. HCM và Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức HEALTHINFO III từ ngày 11-12/10/2023 tại trường Đại Học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM. Hội nghị lần nầy còn có sự đồng tổ chức của Hiệp Hội Năng lực Sức khỏe
Châu Á [Asian Health Literacy Association (AHLA)].

Hội nghị Tin học sức khỏe lần thứ ba với chủ đề “Hướng tới chăm sóc thông minh, xây dựng hệ thống thông minh trong thời đại kỹ thuật số” gọi tắt là HEALTHIFO III. Hội nghị sẽ tập trung vào chủ đề làm thế nào xây dựng hệ thống y tế thông minh trong bối cảnh chuyển
đổi số. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập trong tổ chức, vận hành hệ thống y tế trên toàn cầu, khiến thế giới bất ổn hơn, đồng thời cũng thúc đẩy những phát triển khoa học vượt bậc, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và giúp mọi người đoàn kết nhau hơn, chia sẻ nhau hơn.

Thế giới còn bị đe dọa bởi môi trường bị tàn phá, khí hậu bị biến đổi, và chiến tranh. Vì vậy, hệ thống
y tế cần phải chuyển đổi, thích ứng và phát triển để có thể cung cấp dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả,
hiệu năng, và công bằng. Cũng như các năm trước, Hội nghị năm nay ghi nhận sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước không chỉ trong lãnh vực y tế mà còn các lãnh vực khoa học công nghệ, quản lý, chiến lược, chính sách, giáo dục đào tạo. Hội nghị được sự tham gia của các chuyên gia từ Bộ Y Tế, Sở Y Tế, Bệnh viện, Trường Đại học,…trong và ngoài nước (Đài Loan, Singapore, Pháp, Anh).

Ban tổ chức Hội nghị hy vọng đây sẽ là diễn đàn mở với các thông tin hàn lâm, chính thống để tất cả những người tham dự đều có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề nổi bật và thời sự cho sự phát triển của hệ thống y tế trong thời đại chuyển đổi số.

Hội nghị vinh dự có sự tham gia của các đại biểu:

  • PGS.TS.BS. Trần Thị Trung Chiến nguyên Bộ trưởng Y tế Việt Nam
  • PGS.TS. Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM
  • PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa Bệnh – Bộ Y Tế
  • PGS.TS. Lê Văn Thăng, Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Bách Khoa – ĐHQG TPHCM
  • Cùng các chuyên gia, học giả đến từ các trường Đại học, Cơ quan quản lý y tế trong và ngoài
    nước

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM khẳng định: “Chúng tôi hết sức vui mừng tấm lòng của các nhà khoa học, quản lý, đại biểu đến từ Đài Loan, Pháp, Anh, Singapore, TP. HCM và các Tỉnh thành bạn cùng nhau chia sẻ, thảo luận nội dung hết sức cần thiết này, nhất là hôm qua ngày 10 tháng 10 là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam”, nói lên quyết tâm của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” và TP. HCM cũng ra Quyết định thực hiện Chương trình này, hướng đến xây dựng TP. HCM thông minh. Khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc nhất là công nghệ thông tin, là công cụ then chốt giúp chúng ta xây dựng xã hội thông minh. Lĩnh vực y tế là lĩnh vực an sinh xã hội quan trọng nhất, thế giới đã chung tay dập dịch COVID-19 trong đó có Việt Nam, hiện nay chúng ta bước vào giai đoạn phục hồi nhưng cũng đầy mối đe dọa của dịch bệnh, thiên tai và chiến tranh. Chúng ta đoàn kết cùng nhau đem lại sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc cho mọi người.

Việt Nam nêu rõ “Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng”. Hội nghị của chúng ta được tổ chức kịp thời và phù hợp với bối cảnh này. Chúng tôi được biết ngoài các báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam còn có báo cáo của các nhà khoa học nước ngoài từ các Trường Đại học, các Tổ chức quốc tế hết sức nghĩa tình với Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi cảm ơn GS. Peter Chang, người sáng lập Hiệp hội Năng lực sức khỏe Châu Á [Asian Health Literacy Association (AHLA) là đơn vị đồng tổ chức Hội nghị quốc tế này, đã tổ chức Đoàn Đài Loan mới vừa vượt qua cơn bảo đến với Hội nghị chúng ta và được biết GS sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế về Năng lực sức khỏe lần thứ 10 tại TP. HCM, hợp tác với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào ngày 13-15 tháng 5 năm 2024 tại TP. HCM. Chúng tôi tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần định hướng cho TP. HCM, cho Việt Nam: “Làm thế nào xây dựng được hệ thống y tế thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cung ứng được dịch vụ y tế chất lượng – hiệu quả – hiệu năng và công bằng.”

Phiên khai mạc Hội nghị HEALTHINFO lần III được mở đầu bằng bài trình bày của GS. Lin Tzouyien, GS của Đại Học Chang Gung, Đại học Đài Bắc Đài Loan về vaccine phòng ngừa bệnh Tay Chân Miệng do virus EV71 gây ra. Đây là kết quả nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng phối hợp của các nhà khoa học Đài Loan và các chuyên gia của Việt Nam (giai đoạn 3), với các giai đoạn thử nghiệm Vaccine được tiến hành song song ở Việt Nam và Đài Loan. Thành công của sự hợp tác này được khẳng định bởi hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa bệnh Tay Chân Miệng cho trẻ từ 06 tháng – 2 tuổi (tỷ lệ bảo vệ lên tới hơn 95%). Kết quả này đã được đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Lancet và Bộ Y Tế Việt Nam cũng đang tiến hành thủ tục phê duyệt cấp phép để có thể đưa vào sử dụng từ năm 2024.

Tiếp theo, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa Bệnh – Bộ Y Tế trình
bày về hiện trạng của chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam hiện nay. PGS. Khuê đã nêu lên những
thuận lợi về mặt chính sách khi chuyển đổi số trong y tế nói riêng được khuyến khích, thúc đẩy, bảo
trợ bởi toàn hệ thống chính trị từ Đảng, Chính Phủ và các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, ông cũng chỉ
ra những khó khăn thách thức. Từ đó, ông cũng cung cấp thêm thông tin rằng hệ thống y tế Việt Nam
sẽ thực hiện các bước để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ và kịp thời với yêu cầu đặt ra bằng
cách hỗ trợ, giám sát tất cả cơ sở y tế từ tuyến đầu đến tuyến sau, phổ cập y tế từ xa, cố gắng thực hiện
bệnh án điện tử tiến đến thiết lập hồ sơ sức khoẻ số của toàn dân.

Sau đó, GS.BS. Peter Chang, người sáng lập, chủ tịch danh dự của Hiệp Hội Năng Lực Sức Khoẻ Châu
Á, giám đốc Hợp tác Quốc tế của Tập đoàn Y khoa Show Chwan, cố vấn cấp cao của Trường Đại Học
Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, có bài tham luận về chủ đề “Dịch vụ y tế thông minh và sự phát triển Năng
lực sức khoẻ cho tất cả mọi người”.

Trong phần trình bày của mình, GS. Chang sẽ nêu ra những yếu tố cơ bản và quan trọng có thể dùng để xếp hạng hệ thống y tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ như đội ngũ, cơ sở vật chất, chi phí cho các dịch vụ y tế, sự sẵn sàng đồng hành của chính phủ với ngành y tế, nhằm đưa đến một chỉ số cuối để tham khảo xếp hạng các hệ thống y tế với nhau. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một vấn đề dù có đầu tư bao nhiêu nhưng nếu những người vận hành và cả người sử dụng dịch vụ không có khái niệm hay khả năng sử dụng đúng và hợp lý các nguồn lực và tài nguyên đó thì cũng không thể đạt được chất lượng – hiệu quả – hiệu năng và công bằng trong dịch vụ y tế. Chính vì vậy, theo GS. Chang, việc các chính phủ, hệ thống y tế và người dân hiểu, quan tâm và thực hiện năng lực sức khoẻ là hết sức cần thiết, giúp cho chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao với nguồn lực sẵn có và hệ thống y tế ngày càng thông minh hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *