Mỗi khi mùa về trời trở gió, hàng ngàn – hàng vạn cánh dầu, chò nâu lao xao, chao đảo rụng tràn khắp phố xá, hàng cây và cũng không ít trong số chúng vội lùa qua khe cửa, vụt đáp trên bàn.
Trong ký ức người dân, hàng cây dầu cổ thụ khu vực trung tâm thành phố phải hơn trăm tuổi, tỏa bóng râm xanh mát suốt suốt 4 mùa.
Cây dầu còn gọi là cây sao đen, chò nâu, dầu rái… thân cành thẳng tắp, tán lá rợp mát, gốc phải vài người ôm mới giáp vòng.
Mỗi khi trời thổi gió, hàng vạn cánh chò nâu xoay vần điệu valse chao đảo tít trời cao.
Sài Gòn chào đón tháng 10 bằng những cơn giông tầm tã, mưa như trút nước khiến tôi bồi hồi nhớ, cũng tầm mùa này khi vừa xong dịch; từ cửa sổ cơ quan ngó ra Hồ con rùa, hàng cây dầu cổ thụ tỏa bóng mát che bớt mưa giông, gió giật.
Và mỗi khi mùa về trời trở gió, hàng ngàn – hàng vạn cánh dầu, chò nâu lao xao, chao đảo rụng tràn khắp phố xá, hàng cây và cũng không ít trong số chúng vội lùa qua khe cửa, vụt đáp trên bàn trước khi tôi kịp đưa tay đón lấy.
Cắt tỉa cây xanh để giảm rủi ro gãy đổ gây tai nạn trong mùa mưa bão.
Bất chợt giật mình bởi tiếng cưa máy giòn giã, rèn rẹt từng đợt nghiến lên cành lá. Hàng dầu lao xao, tuôn hàng lớp bụi gỗ, rụng lả chả dưới hiên nhà, ghế đá, bồn cây.
Ông Trần Văn Chính, ngụ tại Võ Văn Tần tiếc nuối: “Mùa mưa bão, gió thổi cây gãy cành, ngã đổ nên phải cưa tỉa bớt. Việc cưa cành, tỉa nhánh, sau một thời gian cây vẫn có thể mọc nhánh, ra lá lại”.
Biết thế, nhưng việc “cạo trọc” hết cả cành lá khiến cả tuyến đường, con phố trông trụi lũi, trơ trịa những thân cành khẳng khiu, nhìn khác nào bộ xương khô đen đủi, xấu xí.
Hầu hết các cành và nhánh cây đều lần lượt được cưa gọn chỉ còn lại phần thân chính trơ trụi.
Không riêng khu vực Hồ con rùa, dọc đường Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn… các tuyến đường lân cận, nhiều cây xanh cũng bị cắt cành cụt ngủn.
Một số cây trên đường Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu bị cưa cành khá lâu, đến nay vẫn chưa thể trổ cành ra lá che bóng mát trở lại như xưa.
Anh bảo vệ chốt cổng VP đại diện bộ GD&ĐT phía Nam cũng tiếc: “Cây bị “cạo” sạch láng hết cành lá. Thậm chí có cây còn cưa đi trụi lủi, chỉ còn loe hoe vài thân cành lơ thơ, ngó giống như bộ xương khẳng khiu chĩa thẳng lên trời. Trước đây cũng cưa trụi, có cây tới tận bây giờ vẫn không ra tán lá nổi. Hôm trời nắng, còn đâu bóng cây che mát nữa, chưa kể còn làm xấu hẳn đi vẻ mỹ quan đô thị. Hơn nữa, cây không còn lá thì chức năng quang hợp, hấp thụ khí cacbonic giúp giảm thiểu ô nhiễm, ngột ngạt. Theo tôi các sở ngành nên nghiên cứu lại việc này, chỉ nên tỉa những thân cành già mục, có nguy cơ rơi, gãy…”.
Nhiều cây cành lá đang xanh tốt lại bị cắt trụi chỉ còn lại thân cây và vài cành lớn.
Tuy nhiên cũng có ý kiến việc cưa chặt cành mùa mưa gió là hợp lý, nhưng các sở ngành liên quan nên nghiên cứu giải pháp giữ lại những tán cành còn xanh tốt để che nắng cho người dân và du khách; bên cạnh đó cũng là giữ lại vẻ xanh mát, sạch đẹp cho bộ mặt TP.
Sở Xây dựng thông tin, 7 tháng đầu năm, các đơn vị đã đốn hạ hơn 2.400 cây bị hư hại, mất an toàn.
Ngoài ra, khoảng 150.000 cây xanh cũng được tỉa nhánh, cắt thấp giảm độ nặng tán lá để hạn chế nguy cơ ngã đổ, gãy cành.
Theo Sở Xây dựng, thời gian qua đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra cây xanh để giảm thiểu rủi ro tai nạn trên địa bàn. Hiện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đang rà soát đối với cây xanh có kích thước lớn.
Những cây xanh được chọn để cắt tỉa hoặc đốn thuộc loại có dấu hiệu mục, nghiêng, có khả năng ngã đổ gây nguy hiểm hoặc không còn khả năng phát triển tạo bóng mát, cảnh quan.
Trong sổ tay cắt tỉa cây xanh đô thị của Sở Xây dựng nêu rõ: “Việc cắt mất hoàn toàn tán hay trụi cành cây sẽ có những tác hại nhất định”.
Cụ thể khi tán lá bị loại bỏ quá mức hoặc toàn bộ sẽ dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn sản xuất tạo dinh dưỡng, năng lượng cho cây.
Cây sẽ bị suy yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công do hình thành nhiều vết thương lớn cùng thời điểm.
Ngoài ra sẽ mọc nhiều chồi tái sinh/chồi bất định và mỹ quan bị ảnh hưởng, cũng như phát sinh chi phí chăm sóc.
Những hàng cây cổ thụ lâu năm không chỉ che mát trong những ngày nóng bức, lọc sạch không khí mà còn mang giá trị văn hóa lâu đời.
Những mùa sau, và nhiều mùa sau nữa, Sài Gòn sẽ thưa bớt cánh hoa dầu?
Có thể rất lâu, rất lâu sau này những thân cành khẳng khiu mới lại vươn cành, đơm lá, kết hoa… lãng khách phương xa mới lại được dịp ngắm nhìn hàng nghìn, hàng vạn cánh hoa dầu – nàng chò nâu xoay vần cùng người tình mỗi lúc giao mùa, được chàng gió dìu bước bên điệu valse vần vũ, nhưng ký ức mỗi khi mùa về vẫn mãi hoài niệm khung trời lãng mạn buổi chiều hôm đón gió, vụt bắt cánh dầu xoay.
Nguồn: tapchidulich – Hữu Long