Chúng ta ở đây để thảo luận về chiến lược và cách tiếp cận đầy tham vọng nhưng khả thi của TP.HCM, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, giúp thành phố này trở thành nơi xanh nhất để kinh doanh trong khối ASEAN.
Đó là nhận định của bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cho tăng trưởng xanh tại TP.HCM vào chiều ngày 24/1/2024.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Nhóm công tác giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới được thành lập cách đây hai năm nhằm mục đích biến thành phố này thành “Nơi xanh nhất để kinh doanh trong ASEAN”.
Mở đầu bài phát biểu, bà Carolyn Turk nhấn mạnh, Việt Nam và TP.HCM đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế gay gắt. Các nhà đầu tư và nhà sản xuất đang tìm kiếm các khu vực sản xuất mang lại môi trường xanh, đặc biệt là môi trường có hàm lượng carbon thấp.
Ngành dệt may Việt Nam đang sụt giảm do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và các sáng kiến xanh ở các nước khác. Các thương hiệu toàn cầu đang chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia như Bangladesh, nơi đã cam kết thực hiện các hoạt động bền vững và xanh như một phần trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của họ, bà Carolyn Turk dẫn chứng.
Trong khi các nước phát triển sử dụng các biện pháp khuyến khích về thuế để thúc đẩy khu vực tư nhân áp dụng các hoạt động xanh và các sáng kiến ít carbon, thì những hạn chế về ngân sách ở các nước đang phát triển đã khiến những khuyến khích đó trở nên khó khăn, bà Carolyn Turk thừa nhận.
Bà lưu ý rằng các khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào quá trình xanh hóa chuỗi cung ứng là rất quan trọng và thành phố đang thực hiện những điều này. Do đó, cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự rời đi của các doanh nghiệp nước ngoài và tình trạng mất việc làm, đồng thời thu hút các ngành công nghiệp và việc làm mới.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư cho tăng trưởng xanh tại TP.HCM, ngày 24/1.
Tại Hội nghị, bà Carolyn Turk cũng cảnh báo về việc TP.HCM – Trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro liên tục từ biến đổi khí hậu và lũ lụt kinh niên. Khoảng 65% diện tích thành phố cao hơn mực nước biển chưa đến 1,5 mét.
Theo bà Carolyn Turk, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và mở rộng dân số nhanh chóng đã dẫn đến sự lấn chiếm các không gian giữ nước quan trọng như kênh rạch, diện tích cây xanh và vùng ngập lũ. Thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm do lũ lụt là khoảng 250 triệu USD, dự kiến sẽ tăng lên hơn 350 triệu USD vào năm 2050 do mở rộng đô thị và mực nước biển dâng.
Bà Carolyn Turk nêu rõ: “Để thích ứng với biến đổi khí hậu, sự hợp tác bao gồm chương trình đầu tư quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp giai đoạn đầu như một phần trong nỗ lực trung hạn nhằm giảm đáng kể rủi ro lũ lụt”.
“Việc giải quyết những lỗ hổng này là điều tối quan trọng để bảo vệ quỹ đạo kinh tế của thành phố và tạo điều kiện cho thành phố phát triển thành một trung tâm đô thị bền vững, thích ứng với khí hậu. Đây là thời điểm quan trọng đối với chuỗi cung ứng xanh và các cam kết phát triển đô thị linh hoạt theo cách tiếp cận toàn thành phố, nhưng việc đảm bảo nguồn vốn trả trước để tiết kiệm trung hạn là rất khó khăn”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Nguồn: tcdulich – Hữu Long