Cách đây vừa tròn 55 năm, lá cờ xanh – đỏ, sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay phấp phới trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.
Sự kiện xảy ra cách đây tròn 55 năm và mới chỉ được công bố vào năm 2019, sau khi chóp tháp nổi tiếng này bị sụp đổ trong một vụ hỏa hoạn.
Sự kiện đã thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Buổi tiếp đón thân mật ông Bernard Bachelard và ông Olivier Parriaux, nay đều ở độ tuổi 80; hai trong số 3 chàng trai quả cảm năm xưa, trong lần đầu tới Việt Nam, họ đã kể lại câu chuyện treo lá cờ nửa màu đỏ và xanh cùng ngôi sao vàng rực rỡ trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris ngày ấy.
Khi đó Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục, Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý. Họ cũng là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó, tại Việt Nam.
Không khí tiếp đón thân mật và nồng hậu ông Bernard Bachelard và ông Olivier Parriaux nhân chuyến sang thăm Việt Nam chiều 18/11/2024.
Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, khi vừa hay tin Tổng thống Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Lausane (Thụy Sĩ) nhận ra rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris từ ngày 18/1/1969 sẽ là một sự kiện đáng để “ăn mừng”, vì điều đó sẽ dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập.
Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ đã quyết định lựa chọn một địa điểm trên cao nhưng không phải là nơi quá cao như tháp Eiffel, mà là một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.
Lá cờ vải mỏng do chính tay người vợ yêu quý may, được ông Bernard Bachelard (bên trái) quấn gọn quanh người khi leo lên treo trên đỉnh chóp tháp nhọn.
Kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard sẽ leo lên chóp tháp với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, họ đã chuẩn bị dây thừng cùng lá cờ kích thước lớn 5m x 3,5m leo lên đỉnh ngọn tháp cao nhất Nhà thờ Đức Bà, treo lên ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Lá cờ đỏ – xanh với ngôi sao vàng năm cánh bằng mỏng kích thước 5m x 3,5m, có viền được gia cố để chứa một sợi dây ở hai đầu buộc móc lò xo. Thay vì được cuốn lại, lá cờ được xếp theo dạng đàn phong cầm để có thể bung ra mà không bị xoắn, ông Olivier Parriaux mô tả.
“Hành động này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng vì chúng tôi không phải là người Paris, chúng tôi cũng chưa biết rõ sẽ làm thế nào để leo lên được đỉnh cao đó. Nhưng ngay khi có thông báo các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 18/1/1969, chúng tôi đã mượn một chiếc xe Citroen “con cóc” 2CV và lên đường xuất phát ngay”, ông Olivier Parriaux hồi tưởng.
Diễn ra trong vòng 30 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã trở về nhà an toàn mà không quên tạt qua trụ sở Nhật báo Le Monde để gửi thông tin về hành động của mình, ông Olivier Parriaux hào hứng kể lại.
Sau hàng giờ rong ruổi trên con đường A6, “Con cóc Citroen 2CV” đã đưa họ đã đến Paris vào tầm trưa thứ bảy 18/1. Bernard Bachelard và Olivier Parriaux tìm cách ẩn mình trên tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà. Chờ khi đêm xuống, với sự cảnh giới của Noé Graff, họ men theo máng hứng nước dọc gian giữa của nhà thờ, đến chân tháp và từ từ leo lên, đầy khó khăn và mạo hiểm.
Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ và khi tụt xuống, họ đã buộc phải cưa một số thanh sắt để ngăn cản khả năng tiếp cận của cảnh sát và lính cứu hỏa. Đồng thời cũng để đảm bảo rằng lá cờ sẽ ở trên ngọn tháp đủ lâu để mọi người nhận thấy vào hôm sau, Chủ nhật ngày 19/1.
Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và sau nhiều lần thất bại, người lính cứu hỏa mới cắt đứt được các dây cột lá cờ.
Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cứ thế ngạo nghễ tung bay trên nền trời xanh Pari, dưới những ánh mắt ngạc nhiên không kém phần thán phục của người dân và du khách. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội cứu hỏa Paris đã phải đu dây từ trực thăng xuống để tháo lá cờ trên đỉnh tháp.
Khi đó, các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim mặc sức nắm bắt hình ảnh đó dưới mọi góc độ. Cuối cùng, đến khoảng 15 giờ chiều, một lính cứu hỏa và đồng thời là diễn viên đóng thế (nay đã quá cố) Raymond Belle đã treo mình trên dây cáp trực thăng, tiến gần đến và cắt dây tháo xuống.
“Những việc chúng tôi làm chỉ là một đóng góp rất nhỏ trong chiến tranh giành độc lập của Việt Nam. Chúng tôi không xem đây là một hành động anh hùng, chúng tôi không phải là anh hùng, những con người Việt Nam đã hy sinh nằm lại nơi đây mới là anh hùng”, ông Olivier Parriaux xúc động nói.
Nguồn: tapchidulich – Hữu Long