EuroCham Việt Nam, đã có tiếng nói đại diện của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính để đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu.
EuroCham ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực gần đây của chính phủ Việt Nam nhằm đơn giản hóa hệ thống thị thực, bao gồm gia hạn hiệu lực của thị thực điện tử lên tới 90 ngày, cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần kể từ ngày 15/08/2023 và kéo dài thời hạn tạm trú lên tới 45 ngày cho công dân các nước được Việt Nam miễn thị thực.
Du Khách Châu Âu đến Việt Nam
Tuy nhiên, EuroCham Việt Nam cũng khẳng định rằng cần có thêm các biện pháp để tận dụng hết tiềm năng to lớn của mối quan hệ kinh tế EU-Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hiện nay, danh sách miễn thị thực chỉ bao gồm 07 nước thành viên của Liên minh Châu Âu là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Với mục tiêu thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư, EuroCham Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng danh sách miễn thị thực bao gồm tất cả 27 quốc gia là thành viên của Liên minh Châu Âu.
Gabor Fluit – Chủ tịch EuroCham Việt Nam chia sẻ: việc miễn thị thực mở rộng này sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường EU, với hơn 500 triệu dân. Bằng việc gỡ bỏ rào cản cho khách quốc tế – những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch nước nhà sau những năm khó khăn vừa qua. Với số lượng du khách lớn, thời gian lưu trú kéo dài, cũng như sức mua đáng kể khiến nhóm khách du lịch Châu Âu thực sự là nhóm khách hàng tiềm năng. Khách du lịch châu Âu có xu hướng ở lại lâu hơn, thường từ 02 tuần trở lên và chính khoảng thời gian này cho phép họ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, khám phá thêm về các triển vọng kinh doanh trong thời gian đó.
Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: EuroCham
Bức thư này đã nhận được sự đồng thuận lớn từ Nhóm Châu Âu, với lời kêu gọi được đồng ký bởi 18 đại sứ của các nước là thành viên Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cũng như chủ tịch của các Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ – Luxembourg tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha-Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam.
Bức thư được gửi tới ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công an; nhấn mạnh tiềm năng đáng kể, tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam khi danh sách miễn thị thực được mở rộng. Bức thư cũng dự đoán sự gia tăng lớn về số lượng khách du lịch châu Âu và kéo theo đó sự mở rộng trong các hoạt động đầu tư kinh doanh EU-Việt Nam. EuroCham Việt Nam tin tưởng rằng điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, mở rộng cơ hội thương mại và tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Phần Lan
Báo cáo mới nhất của Google Destination Insight khẳng định tiềm năng của Việt Nam – một địa điểm du lịch được săn đón. Nằm trong Top 07 điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất, Việt Nam là lựa chọn ưa thích của du khách toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất của Đông Nam Á lọt vào Top 20, điều này cho thấy sức hấp dẫn và sự nổi tiếng của Việt Nam.
Sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến được ưa chuộng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài khá rõ ràng. Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) mới nhất do EuroCham công bố và Decision Lab thực hiện đã làm sáng tỏ sức hấp dẫn lâu dài của Việt Nam, bất chấp những thách thức hiện nay. Gần một nửa số người được hỏi (48%) bày tỏ sự lạc quan về sự gia tăng vốn FDI của công ty họ tại Việt Nam trong quý sắp tới. Hơn nữa, Việt Nam tự hào duy trì vị trí trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 số doanh nghiệp, càng khẳng định thêm sức hấp dẫn bền vững và danh tiếng của Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan liên tục được tạo điều kiện thuận lợi bởi Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA), kết hợp với những nỗ lực giải quyết các trở ngại về thủ tục hành chính mà những người tham gia khảo sát BCI nêu ra, sẽ giúp nâng cao hơn nữa triển vọng đầu tư của Việt Nam theo thời gian.
Với mục tiêu tổng thể là thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho tăng trưởng, EuroCham Việt Nam cũng tiếp tục nỗ lực giải quyết các thách thức về giấy phép lao động và vận động cho các quy trình đơn giản hóa, ghi nhận mối liên hệ của những vấn đề này trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Về EuroCham Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam kể từ năm 1998, bao gồm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các công ty đa quốc gia và có mạng lưới đối tác rộng lớn tại cả Việt Nam và Châu Âu. Hiệp hội đóng vai trò là cầu nối cho các công ty Châu Âu quan tâm đến thị trường Việt Nam và các công ty Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng thị trường Châu Âu, giúp cả hai cùng khai thác tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Với hơn 1.300 thành viên, EuroCham trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện sở hữu 150.000 người lao động trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, EuroCham cũng là tổ chức đối tác của 9 hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc, bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ-Luxembourg tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha – Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam. Sự đa dạng này cho phép EuroCham bảo vệ lợi ích của nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp, đưa tiếng nói và tầm ảnh hưởng của họ đi xa hơn.