Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo ngành Du lịch và khách sạn – ngành nghỉ dưỡng Việt Nam – Cơ hội & Thách thức với mục tiêu đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở trong và ngoài nước.
Các vấn đề thiết thực về sự phát triển dài hạn của ngành du lịch tại Việt Nam đã được đề cập xuyên suốt hội thảo. Đó là những khó khăn và thách thức mà ngành du lịch đang phải đối mặt, bao gồm các yếu tố như: môi trường suy thoái, phát triển quá mức, chú trọng vào số lượng hơn chất lượng,… được đề cập trong bài tham luận mở đầu buổi trao đổi của ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels & WeHub.
Quy mô và sự phát triển của thị trường du lịch toàn cầu cũng là câu chuyện được quan tâm trong phần diễn giải của ông Velancia Teo – Quản lý kinh doanh của CoStar Group (STR). Quá trình triển khai hoạt động du lịch inbound của Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã được ông Võ Việt Hòa – Giám đốc khối du lịch quốc tế trình bày như một ví dụ điển hình trong vận hành tổ chức du lịch tại Việt Nam và mở rộng thị trường khách quốc tế.
Từ nền tảng của những vấn đề nêu trên, hội thảo ngành Du lịch và khách sạn – ngành nghỉ dưỡng Việt Nam – Cơ hội & Thách thức đi sâu vào nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp xúc tiến hoạt động du lịch thị trường quốc tế và cải thiện hoạt động khách sạn Việt Nam thông qua 02 phiên thảo luận dưới sự điều phối của ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group và ông Douglas Louden, Giám đốc, Perceptions Hospitality.
Trong phiên thảo luận đầu tiên – Xúc tiến hoạt động du lịch thị trường quốc tế; khách mời bao gồm: ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó TGĐ Vietravel – đại diện Vietnam Airlines, ông Erkan Tuncaakar – TGĐ GoVacation, bà Queenie Nguyen – Giám đốc Phát triển kinh doanh BWH Hotels, ông Lukasz Koztowski – Giám đốc và Đồng sáng lập MakeYourAsia, ông Ngô Minh Đức – Chủ Tịch Asia DMC…đã tham gia thảo luận về chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong 07 năm tiếp theo.
Du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ vươn lên, lọt Top 30 của thế giới trong năm 2030, đóng góp 15 – 17% vào GDP cả nước. Các kế hoạch xây dựng thương hiệu cho du lịch nước nhà cũng được đề cập để thảo luận sâu với những thành công điển hình của dự án Vietnam.travel hay dự án hỗ trợ Việt Nam trong Hội chợ Thương mại quốc tế (ITB và WTM).
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, đưa ra những kiến nghị trong liên kết hàng không – du lịch để phục hồi và phát triển. Theo đó, ngành hàng không và du lịch có mối liên kết chặt chẽ và hàng không đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển, truyền thông, là cầu nối đưa khách du lịch trải nghiệm các không gian du lịch tại Việt Nam. Định hướng phát triển mối quan hệ này, Hãng hàng không đã đề xuất 05 giải pháp về quảng bá hình ảnh, triển khai kết nối cơ sở dữ liệu và tạo điều kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Trong phiên thảo luận thứ hai – Giải pháp cải thiện hoạt động khách sạn Việt Nam, định hướng phát triển du lịch cùng thực trạng và xu hướng của hoạt động lưu trú tại Việt Nam đã được thảo luận sôi nổi của khách mời. Dưới sự chủ trì của ông Douglas Louden – Giám đốc Perceptions Hospitality; cùng sự tham gia của ông Mario Mendis – Tổng quản lý Sofitel Saigon, ông Gentzsch Andrez Pierre – Tổng quản lý Furama Resort Đà Nẵng, ông Vignesh Mani – Tổng quản lý Oakwood Residence Saigon, ông Martin Koerner – Giám đốc Thương mại The Anam Resort, ông Alexander Schoell – Tổng quản lý Renaissance…đã mang tới một cái nhìn toàn cảnh về hoạt động lưu trú trong phạm trù du lịch trong nước.
Hội thảo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm chiến lược của du lịch Việt Nam; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững và bao trùm. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và phát triển đồng bộ du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Trong đó, vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch độc bản của từng vùng miền vẫn được quan tâm hàng đầu. Phát triển thương hiệu các khu, điểm, sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị nổi bật về văn hóa, sinh thái bản địa và các dịch vụ đặc trưng là mũi nhọn trong quảng bá hình ảnh của du lịch Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.