Trong bối cảnh hiện nay, việc phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trách nhiệm chung của toàn cầu.
Du lịch xanh Cần Giờ, điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tìm về trải nghiệm không gian xanh mát, trong lành.
Diễn đàn Doanh nghiệp Xanh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030.
Sự phát triển xanh không chỉ là giải pháp để bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch chất lượng phát triển kinh tế, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.
Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Chính phủ Việt Nam đã chính thức cam kết tại Hội nghị COP26, từ đó định hình xu hướng phát triển kinh tế xanh như một mục tiêu tất yếu trong quá trình phát triển của mọi doanh nghiệp và của toàn bộ quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh Giai đoạn 2024 – 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030.
Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của Thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, bà Vân nhấn mạnh.
Thành phố hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với kế hoạch này, TP.HCM đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.
Ths. Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM trong phần phát biểu về Định hướng tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Xanh, nhiều chủ đề quan trọng được đưa ra bàn bạc nhằm tìm kiếm những giải pháp phát triển bền vững như: Hiệu quả từ công nghệ và các giải pháp tích hợp; nhà đầu tư và nhà cung cấp giải pháp xanh. Ứng dụng chuyển đổi xanh; Định hướng giảm thiểu carbon trong Logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cùng với đó là những hướng đi chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài cho doanh nghiệp: “Chuyển đổi xanh ở các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững ở Việt Nam”; “Thực tiễn chuyển đổi công nghiệp cho phát triển bền vững trong tương lai”…
Bà Catherine Trần – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee chia sẻ chủ đề Năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả
Một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Các hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững.
Theo đó, từ mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh, TP.HCM đã và đang phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển trên cơ sở tính chất đặc trưng vùng miền và địa lý khu vực để tìm ra hướng phát triển xanh phù hợp. Tại TP.HCM, sự phát triển xanh không chỉ là giải pháp để bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch chất lượng phát triển kinh tế, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5/2024 diễn ra từ ngày 24 – 27/9, với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các định chế tài chính, doanh nghiệp, chuyên gia về nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội cho thành phố.
Sự kiện với sữ góp mặt của 1.500 đại biểu đến từ các bộ ngành, các định chế tài chính quốc tế như World Bank, IMF, IFC, ADB cùng các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo tỉnh thành trong nước, quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, tập trung ở lĩnh vực kinh tế, công nghệ, tham dự diễn đàn.
Nguồn: tapchidulich – Bảo Minh