Sáng ngày 01/12, tại TPHCM đã diễn ra diễn đàn “Cơ hội và Thách thức việc làm cho người khuyết tật”; đây là sự kiện nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12 và kết nối xây dựng hệ sinh thái đào tạo kỹ năng mới và đạo tạo nghề phù hợp với xã hội cho người khuyết tật.
Tham gia chia sẻ tại diễn đàn là góc nhìn của chuyên gia đến từ World Bank, UNDP, và DRD. Tại diễn đàn sẽ là nơi cam kết đồng hành kiến tạo hệ sinh thái việc làm cho người khuyết tật của 9 Công ty, với tinh thần Tiên Phong – Xung kích và Chia sẻ. Mỗi doanh nghiệp đóng vai trò như một mắt xích trong tiến trình đào tạo chuyên môn, đào tạo kỹ năng sống, tuyển dụng lao động và tài trợ chi phí để mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 07 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng…có việc làm. So với nam giới không khuyết tật, khả năng được tuyển dụng của phụ nữ khuyết tật thấp hơn 02 lần. Điều này dẫn tới hơn 03 triệu phụ nữ khuyết tật của nước ta không có việc làm trong lĩnh vực việc làm chính thức.
Ở nhóm từ 15 – 39 tuổi cho biết họ gặp các rào cản khi đi làm như: nâng cao trình độ chuyên môn, phương tiện đi lại, thái độ của những người xung quanh và người thân. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật khó nhận được việc làm hơn nam giới, người khuyết tật lớn tuổi rất khó có cơ hội việc làm.
Tiến sĩ Võ Hoàng Yến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực người khuyết tật chia sẻ: ban đầu Trung tâm chỉ chú trọng hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật. Nhưng khi tiếp xúc trực với người khuyết tật, chúng tôi ghi nhận có 90% có nhu cầu về công việc. Vì chính công việc mới giúp họ tài chích, tự tin để khẳng định giá trị bản thân. Tôi đã có dịp hỏi các em nhiều câu hỏi và phát hiện các em còn ngây ngô; ví dụ như hỏi các em thích gì? Thì các em trẻ lời: thích ăn gà. Lúc rảnh các em thích gì? Thì trả lời thích ngủ…Rất khó tìm việc làm cho các em, vì vấn đề giao tiếp của các em rất là “yếu”…không có định hướng trong học nghề, hoặc cho rằng khi đi học nghề là sẽ giúp người khác nhưng thực tế thì bản thân thì làm gì được cho mình.
Bà Đào Thu Hương – Cán bộ chương trình Hoà nhập người khuyết tật (Liên Hợp Quốc) nhận định: người khuyết tật có thể tham gia vào 03 lĩnh vực như: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực môi trường, các công nhân khuyết tật ở một cơ sở tại Đồng Nai đang sử dụng vải vụn để tạo ra túi, ba lô. Khi một công ty sử dụng lao động là người khuyết tật thì sẽ làm đường đi dốc cho xe lăn hoặc lắp đặt thang máy. Chúng ta không cần tạo ra việc làm riêng cho người khuyết tật mà chỉ cần đặt họ vào đúng vị trí, tạo cho họ điều kiện để họ có thể đóng góp thì họ sẽ toả sáng.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp cũng đã trao học bỗng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực người khuyết tật 50.000.000 đồng và Quỹ Phát triển Việc làm cho Người khuyết tật 100.000.000 đồng.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới; trách nhiệm của các doanh nghiệp được định danh rất rõ, Việt Nam thì những năm gần đây mới được quan tâm và biết đến nhiều hơn từ các doanh nghiệp trong nước. Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp tiên phong, cam kết đồng hành cùng chương trình hôm nay thông qua nhiều hình thức khác nhau, đã có bổ sung thêm khoản đầu tư để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn với những sản phẩm có trách nhiệm xã hội (responsible products).