Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024

Ngày 26/03/2024; tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả – Bộ VHTT & Du lịch Việt Nam, phối hợp với Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024.

Tham dự diễn đàn các đại biểu và diễn giả đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến tác quyền như: ông Phạm Thanh Tùng – Phó trưởng Phòng QL quyền tác giả, quyền liên quan và hợp tác quốc tế -Cục bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Bà Lee Ha Young – Phó trưởng Phòng Hợp tác TMVH Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Ônh Park Jung Youl – Chủ tịch cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc và 06 diễn giả trình bày các nội dung liên quan đến bản quyền tác giả trên môi trường số, cùng 06 diễn giải trình bày các nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nhấn mạnh: chúng ta có nhiều thuận lợi về hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn. Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng. Các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại khó khăn như: sự thay đổi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, sự tiến bộ về công nghệ kỹ thuật và việc thực thi cam kết nghĩa vụ tại các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đặt ra yêu câu tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường thực thi pháp luật về Quyền tác giả và Quyền liên quan. Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi nhưng tình trạng xâm phạm Quyền tác giả và Quyền liên quan, trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Công tác bảo hộ Quyền tác già và Quyền liên quan, nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm Quyền tác già và Quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Bà Lee Ha Young – Phó trưởng phòng Hợp tác Thương mại văn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chia sẻ: sự phát triển của bản quyền trên môi trường số, chính sách bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo đang được quan tâm. Trong đó trí tuệ nhân tạo tạo sinh và bản quyền đang được tranh cải ở Hàn Quốc. Bởi vì; trí tuệ nhân tạo đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: tranh vẽ và âm nhạc, nó cũng gây ra tranh cãi về việc có công nhận bản quyền hay không? Gần đây ở Hàn Quốc, phóng viên Ahn Hee Jae đã đưa tin độc quyền về tranh cãi xung quanh nhạc sĩ Al “Lee Bom”, người đã nhận được tiền bản quyền trước đó. Chỉ cần nhập thể loại nhạc và độ dài bài hát vào cửa số lệnh, một bài hát sẽ được hoàn thành chưa đầy 10 giây. Nhạc sĩ Al Lee Bom, được phát triển bởi Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, sáng tác dựa trên phương thức tiếp nhận lý thuyết âm nhạc và tạo ra giai điệu có khả năng sử dụng.

Chỉ cần nhấp chuột 02 lần là hoàn thành bản nhạc trong vài giây. Trong 06 năm qua, nhạc sĩ này đã sáng tác được 300.000 bài hát và bán được 30.000 bài hát, đạt doanh thu 600 triệu won. Năm 2023, anh đã sáng tác bài hát “Love is 24 hours” của ca sĩ Hong Jin Young và đưa tên mình vào danh sách tác giả bản quyền. Tuy nhiên, Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc – nơi trả tiền bản quyền cho 06 bài hát do nhạc sĩ AI “Lee Bom” sáng tác, đã bất ngờ gửi công văn nói rằng họ sẽ ngừng chỉ trả tiền bản quyền. Hiệp hội cho biết đã nhận thức chậm trễ về sự thật mà những bài hát do “Al” sáng tác chứ không phải do con người, đó là lý do tại sao không có căn cứ pháp lý để chi trả tiền bản quyền. Tác phẩm theo luật bản quyền được định nghĩa là tác phẩm nghệ thuật thể hiện tư tưởng và cảm xúc của con người nên tác phẩm do “Al” tạo ra không thể được xem là tác phẩm.

Ông Park Soo Ho báo cáo: thực trạng thu phí bản quyền ở Hàn Quốc năm 2021 đạt 288,5 tỷ won, năm 2023 đạt khoảng 406,5 tỷ won và dự kiến sắp tới sẽ tăng đến 500 tỷ won.

Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022, bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn 2018 – 2022 có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng được nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp khoảng 7% GDP của đất nước. 

Ông Đinh Trung Cẩn – Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết: Trung tâm được thành lập từ năm 2002 và năm 2005, VCPMC và Komca đã ký kết hợp tác song phương. Tính đến nay, Trung tâm đã ký kết họp tác song phương với 85 tổ chức và phủ sóng khoảng 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy; tất cả sản phẩm âm nhạc nước ngoài vang lên trên lãnh thổ Việt Nam và tác phẩm âm nhạc Việt Nam vang lên ở nước ngoài đã được VCPMC ký kết hợp tác song phương về bản quyền tác giả đều được thu phí và trả lại cho tác giả. Tuy nhiên, các chủ thể quyền cũng cần chủ động tìm biện pháp, rà soát, phát hiện vi phạm… để thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định pháp luật. Có thể áp dụng các giải pháp công nghệ đã có sẵn của các nền tảng như Content ID của YouTube, Rights Manager của Facebook… áp dụng hoặc phát triển các nền tảng khác để tracking – truy dấu hành vi xâm phạm… Năm 2023, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc Trung tâm thu được trên 344 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.

Tại Việt Nam ước tính hiện nay có 66,9 triệu người sử dụng smartphone, trong đó 69% người Việt xem video và nghe nhạc trên thiết bị di động của họ. Theo thống kê của VCPMC, từ năm 2018, nguồn thu từ lĩnh vực nhạc số bắt đầu có đầu hiệu tăng trưởng, đến năm 2019 tăng lên đến 95%, từ năm 2020 đến nay duy trì tăng đều trong khoảng từ 30% – 50%.

Hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa được phát hành của nghệ sĩ, chỉ vài giờ sau khi được phát hành là đã có hàng trăm website đăng tải lại sản phẩm âm nhạc mới phát hành.

VCPMC đã rà soát, phát hiện và sử dụng công cụ xử lý đối với nhiều website, ứng dụng nhạc có nội dung xâm phạm bản quyền, khuyến cáo các đơn vị sử dụng thực hiện nghĩa vụ về bản quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã có quy định xử lý đối với từng hành vi xâm phạm như:

– Về việc áp dụng biện pháp công nghệ: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngửa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

-Về áp dụng biện pháp hành chính: Chủ sở hữu quyền tác giả yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả.

– Về áp dụng biện pháp dân sự: Chủ sở hữu có thể thực hiện việc khởi kiện các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả ra Tòa án hoặc Trọng tài. Biện pháp dân sự có thể được áp dụng đề xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự

– Biện pháp hình sự: Bộ luật hình sự có quy định về các hành vi có thể bị truy tố hình sự bao gồm sao chép và phân phối tác phẩm, khi đạt tới một mức độ nhất định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc sao chép và phân phối tác phẩm hiện nay có thể được thực hiện dễ dàng trên không gian mạng, tuy nhiên, để chứng minh hành vi phạm tội với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính thì còn nhiều khó khăn.

Mặc dù có nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan nhưng tính linh hoạt của môi trường số khiến cho việc thu thập tài liệu chứng cứ trở thành một bài toán khó, chỉ một vài thao tác đơn giản chủ thể vi phạm có thể nhanh chóng xóa đi dấu vết và “lần trốn”. Còn các tác giả vẫn chưa thực sự nhận thức cụ thể về các biện pháp bảo vệ quyền, cũng như một bộ phận các tác giả lại không đủ sức để tự mình thực hiện việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường internet. Còn đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet thường tìm cách cắt giảm chi phí nhằm tăng lợi nhuận trong đó có việc né tránh nghĩa vụ trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu.

Diễn đàn lần này là cơ hội cho việc hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam, cơ hội để Việt Nam học hỏi cách quản lý quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *