Ngày 19/9/2024; tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi toạ đạm, với nội dung “Công tác sưu tầm hiện vật tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”.
Đến tham dự buổi toạ đàm còn có các đại biểu như: ông Trần Thế Thuận – GĐ Sở VH & TT TP.HCM, ông Nguyễn Thiên Bình – Phó GĐ VH &TT tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Nghị – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá – Sở VHTT TP.HCM, ông Nguyễn Anh Minh – GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thạc sĩ Đinh thị Hoài Trai – GĐ Bảo tàng Huế, ông Hà Thanh Vân – GĐ Bảo tàng Đà Nẵng…
Có 04 bài tham luận chia sẽ của các Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, về nội dung: hoạt động sưu tầm hiện vật tại bảo tàng mỹ thuật thành phố hồ chí minh, hành trình tìm kiếm và gìn giữ các giá trị văn hóa. Công tác sưu tầm tác phẩm mỹ thuật trong giai đoạn hiện nay góc nhìn từ Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Công tác sưu tâm hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cơ hội, thành quả và thách thức.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Trần Thế Thuận – GĐ Sở VH & TT TP.HCM nhấn mạnh: đối với lĩnh vực bảo tàng ở TP.HCM trong nhiều năm đã có tiền lệ giao lưu trao đổi về công tác sưu tầm bảo vật, trở thành nhiệm vụ quan trọng cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Tại TP.HCM, hệ thống bảo tàng công lập và ngoài công lập, có chiều hướng phát triển tích cực; với 07 bảo tàng công lập, 06 bảo tàng ngoài công lập và một số bảo tàng của các đơn vị Trung ương.
Đôi nét tiêu biểu trong 04 tham luận của các bảo tàng:
Tính đến thời điểm này; Bảo tàng Mỹ thuật VN đã sưu tầm, lưu giữ được 17.404 hiện vật (tương ứng 22.125 đơn vị bảo quản), trong đó có 9 Bảo vật Quốc gia. Số lượng tác phẩm của một số chất liệu và loại hình chính tại Bảo tàng tính đến tháng 10/2022 như sau: 516 sơn dầu, 342 sơn mài, 418 lụa, 850 màu nước, 584 bột màu, 698 khắc, 419 áp phích, 529 điêu khắc hiện đại, 884 điêu khắc cổ, 1.532 tranh dân gian, 6.404 gốm, 2.416 mỹ thuật ứng dụng. Ngoài ra còn một số loại hình và chất liệu như: bản khắc, tranh cắt dán, tranh thêu, phụ bản, bản rập, tiền…Số hiện vật này hình thành nên các BST: mỹ thuật tiền sử, sơ sử. Mỹ thuật phong kiến từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19, mỹ thuật kháng chiến, mỹ thuật cận – hiện đại, mỹ thuật ứng dụng, dân gian… Các BST này phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, phản ánh cơ bản lịch sử phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Trong BST Mỹ thuật cận – hiện đại và có thế chia nhiều nội dung như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, phụ nữ, phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, lao động sản xuất, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật… Đặc biệt, có BST tác phẩm của các thế hệ họa sĩ mỹ thuật Đông Dương, với gần 2.000 tác phẩm được coi là tài sản rất giá trị, vô cùng quý hiếm.
Từ năm 2018 đến nay; Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tập trung bổ sung các bộ hiện vật hiện đang còn thiếu nguồn ngân sách nhà nước và thông qua công tác vận động hiến tặng của các tổ chức và cá nhân. Từ đó các bộ sưu tập tác phẩm hiện đại của Bảo tàng hướng đến các tác giả trẻ đã được định hình phong cách sáng tác trong giới mỹ thuật. Tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, chứa đựng những đặc điểm văn hóa ở cả 03 miền Bắc – Trung – Nam trong cả nước như: Huỳnh Phú Hà, Nguyễn Ngọc Vinh, Nguy Đình Ngọc, Nguyễn Thị Hải Hoà, Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Văn Bán Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Hải Sơn, Trần Tuấn Nghĩa, Trần Việt Há…Trong vòng 06 năm đã vượt hơn gấp đôi giai đoạn trước, Bảo tàng đã tiếp nhận 257 hiện vật là các tác phẩm hội họa và điêu khắc với những sưu tập có giá trị của các họa sĩ Lê Thị Lựu, Lê Bá Đảng, Nguyễn Văn Minh. Điều này cũng cho thấy Bảo tàng đã chủ động tích cực đẩy mạnh các công tác xã hội hóa tại đơn vị, thông qua các hoạt động kết nối nhiều mối liên hệ với nền mỹ thuật trong và ngoài khu vực.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện đang lưu trữ, bảo quản hơn 2.000 hiện vật, tư liệu, trong đó có: 918 tác phẩm mỹ thuật với các thể loại hội họa, điêu khắc, đồ họa, video art, gồm 407 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng (trong đó có 362 hiện vật do họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác và 45 tài liệu, hiện vật do họa sĩ sưu tầm), 368 bộ tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị và 143 tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ khác (trong đó: 68 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc là người Huế, sinh sống, học tập và làm việc ở Huế đã được Hội đồng thấm định đánh giá về chất lượng, giá trị nghệ thuật và giá cả. Ngoài ra còn có 40 tác phẩm do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng và 35 tác phẩm do các tác giả và nhà sưu tập trao tặng, hơn 1.000 tranh dân gian Việt Nam và tranh ký họa về di sản văn hóa Huế.
Nhìn lại 10 năm qua, bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã lên đến con số gần 2.500, bộ phận nghiên cứu sưu tầm tại đây đã rút ra một số điều cần phải suy ngẫm như: vấn đề nghiên cứu, thẩm định, sưu tầm tác phẩm mỹ thuật là một công việc hoàn toàn mới và đầy khó khăn, với một nhóm ít cán bộ viên chức của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Việc sưu tầm mỹ thuật thuộc nhiều thể loại như: điêu khắc, hội họa, đồ họa…đến các bản làng vùng sâu vùng cao để sưu tầm bổ sung thêm hiện vật mỹ thuật cổ, tượng gỗ dân tộc vùng núi, đồng thời tại các cuộc triển lãm mỹ thuật và từ các bộ sưu tập cá nhân của các họa sĩ, nhà điêu khắc để bổ sung cho mỹ thuật cận – hiện đại, đương đại. Cũng nhờ điều kiện lưu trữ tốt, quảng bá tốt, sự năng động của Ban giám đốc nên có nhiều nhà sưu tập đang sinh sống tại Nhật, Mỹ, Pháp, Bỉ…đã hiến tặng hàng trăm tác phẩm quý của những tác giả nổi tiếng như: Lê Bá Đảng, Vĩnh Khoa, Trần Văn Cẩn, Lê Huy Hòa, Nguyễn Tư Nghiêm…Nhìn lại công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trong những năm qua là khá ấn tượng, đáp ứng được tiêu chí góp phần đưa Bảo tàng Mỹ thuật từ hạng 3, lên hạng 2 chỉ trong thời gian chưa đến 10 năm, sau khi thành lập.
Các ý kiến tham luận:
Ông Nguyễn Trung Tín – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN: chọn tranh sưu tập tranh, có mấy yếu tố:chọn tranh dựa trên mục đích trưng bày của bảo tàng, vừa là bộ sưu tập mang tính cá nhân nhưng phải có nền tảng mỹ thuật. Bộ sưu tập phải dựa trên đội ngũ sáng tác, chúng ta chưa sưu tầm tốt là do chúng chưa sưu tầm được mỹ thuật trước năm 1954, đến tận ngày giải phóng. Vùng đất Nam Bộ – Miền Đông Nam Bộ, là cái nôi của mỹ thuật hiện đại VN. Sưu tập mỹ thuật phải có chủ đề, tác giả, tác phẩm như thế nào phù hợp cho bộ sưu tập.
GS.TS.Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: nhiều vấn đề khác như khó khăn tài chánh, chuyên môn…các bảo tàng đã nêu lên hết, riêng tôi chỉ đưa ra ý kiến: làm thế nào để mua được nhiều tranh, một cách rẻ nhất. Người nghệ sĩ nghèo vật chất nhưng giàu nghệ thuật, chính vì vậy việc sưu tầm nghệ thuật là linh hồn, hơi thở của bảo tàng. Việc bảo tàng sưu tập có 02 vấn đề xảy ra: kinh phí rất ít và cơ chế khó khăn nên khi được duyệt tiền thì tác giả bán tác phẩm. Ngoài việc sưu tầm những bức tranh của các cụ xưa, có những gia đình hiến tặng, nếu chúng ta mua tranh với tác giả thông qua hội đồng này kia thì với tác giả rất khó khăn, đôi khi xuất phát sự so sánh “giá trị” tranh của tác giả. Vì vậy, nếu muốn tác phẩm của tác giả nào thì nên gặp trực tiếp tác giả để thương lượng, tìm ra giá tốt nhất.
PGS.TS.Lâm Nhân – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá TP.HCM: mỹ thuật cũng là lịch sử, mà lịch sử thì không được đứt đoạn, bảo tàng muốn đi sưu tập, đầu tiên phải rà soát lại xem bộ sưu tập của bảo tàng thiếu ở giai đoạn nào? Lúc đó chọn sưu tầm chỗ lịch sử mỹ thuật bị đứt đoạn, ở đây sự đứt đoạn thường rơi vào giai đoạn mỹ thuật “Đông Dương”, vì có bảo tàng có sưu tầm được nhưng có bảo tàng thì không.Theo dòng phát triển của mỹ thuật là sự xuất hiện của các hoạ sĩ đương thời, khi họ rời quê hương, họ vẫn giữ được những giá trị mỹ thuật vào thời của họ. Đó là những tác phẩm gắn với quê hương, các hoạ sĩ tri thức này luôn hướng về quê hương…họ thấy VN đổi mới, họ sẵn sàng hiến tặng những tác phẩm giá trị của họ. Điều còn lại là những người làm công tác bảo tàng của chúng ta có đủ điều kiện để gặp gỡ họ, để nhận những tác phẩm văn hoá mà họ muốn trao tặng.
Ông Bủi Hải Sơn – Tư vấn Bảo tàng, Hội đồng thẩm định Điêu khắc: về vấn đề sưu tầm, các bảo tàng đang trong giai đoạn canh tranh lớn từ các bảo tàng, bảo tàng tư nhân, galary tự do, bảo tàng nước ngoài…Còn về công tác sưu tầm, vốn là chiến lược của bảo tàng, mỗi bảo tàng có một tính thể hiện khác nhau theo nội dung quốc gia – vùng miền như: bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Huế, Bảo tàng TP.HCM…
Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá – Sở VHTT TP.HCM, Hoàng Nghị cho biết: về công tác sưu tầm, trước đây TP.HCM cho 10 tỷ/năm nhưng đôi khi không có đề xuất mua hết số tiền đó cho bộ sưu tập. TP.HCM đang đề nghị uỷ quyền cho GĐ Sở VH & TT, quyết định chi phí.
Thay lời kết:
Phần lớn hiện vật tại bảo tàng sẽ được mua bằng nguồn kinh phí sưu tầm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định của pháp luật về tài chính, được Nhà nước cấp, hình thức sưu tầm giữ vai trò chủ đạo của bảo tàng. Quá trình mua một hiện vật, mất khoảng từ 06 tháng đến một năm, thủ tục hành chính kéo dài, dẫn đến việc hiện vật bị đội giá lên cao và tác phẩm bị bán cho đối tượng khác. Nhiều tác phẩm có giá trị thuộc sở hữu các nhà sưu tập tư nhân, bảo tàng nếu muốn sưu tầm phải mua lại với mức vượt kinh phí cho phép. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt và để lỡ các tác phẩm quý là điều vẫn còn tồn đọng đến nay.
Các nhà sưu tập hoặc bảo tàng tư nhân ngoài việc có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực, còn chủ động được về thời gian, kinh phí, tiến hành giao dịch với người bán nhanh chóng hơn. Điều này là một sự ghi nhận kịp thời đối với các tài năng nghệ thuật trong thực tiễn.