Băng qua Vịnh Gành Rái tìm về dấu tích những Pháo đài kiên cố bậc nhất Đông Dương

“Từ trên boongke, ‘Máy cưa xương MG42’ liên tục khạc lửa, phun ra cả ngàn viên 7ly92, tốc độ 1800phát đạn/phút, khiến bãi biển Omaha, Normandy – Pháp kéo dài hàng dặm trở nên ngầu đục và dậy sóng” – bác Nguyễn Văn Hường, Thuyết minh viên tại Bảo tàng Robert Taylor Vũng Tàu thao thao bất tuyệt.

Trăm năm Đồn Rạch Cát, Pháo đài trấn thủ bên cửa sông xây dựng suốt 11 năm (1903 – 1914) ngày nay mở rộng cửa đón khách tham quan.

Dự tính sáng Thứ Bảy xuất phát sớm từ Sài Gòn xuống Cần Giờ, sau đó băng qua Vịnh Gành Rái qua bờ Vũng Tàu bằng tuyến phà cao tốc Tắc Xuất (Cần Giờ) – Bên Đá (Vũng Tàu). Đứa em kết nghĩa khoe: “Alo anh, Đồn Rạch Cát, nơi đóng em quân ngày trước mình gặp, giờ mở cửa cho du khách tham quan rồi…”.

Thế là hành trình cung đường ven biển chuyến này kéo dài thêm một đoạn vòng xuống Long An qua Tiền Giang từ chiều Thứ Sáu sau giờ tan tầm. Sẳn dịp, tôi xách theo chân máy ảnh, ghé xuống biển Tân Thành, Gò Công chụp Milkyway (dải Ngân Hà). Quá tiện và lợi, một công năm – ba việc.

Một mình đứng giữa đất trời bao la một đêm đầy gió, cảm nhận một mình một cõi giữa trời biển mênh mông còn gì tuyệt thú hơn.

Trở lại cung đường xưa, nay đã nhiều đổi thay; đường xá tốt hơn hẳn, hàng quán cũng đông vui nhộn nhịp. Đêm trên “bãi chụp dải ngân hà” nằm ngay bờ biển Tân Thành mùa này khá vắng vẻ. Chỉ có hàng đèn hắt lên từ những chiếc thuyền chài ngoài khơi xa, trông như chuỗi ngọc lung linh phát sáng, vắt ngang đường chân trời.

Từ Tân Thành qua đảo Long Hựu đến Đồn Rạch Cát chỉ khoảng vài mươi cây số theo đường đê biển Tân Thành qua Vàm Láng rồi bắt đò qua đảo Long Hựu. Nhưng đêm hôm, đò giang cách trở, tôi lại theo đường cũ để qua sông Vàm Cỏ bằng cầu Mỹ Lợi. Hửng sáng, hai bên đường, cánh đồng lúa tỉnh Tiền Giang lao xao vẫy chào tạm biệt.

Vết thời gian và dấu đạn pháo đã xâm hại khá nhiều nhưng dòng chữ tiếng Pháp khắc trên cổng Pháo đài vẫn còn đọc rõ “Ouvrage Du Rach Cat”.
Cổng pháo đài sau khi đưa vào phục vụ du lịch vẫn vẹn nguyên và xanh mát hơn xưa.
Đơn vị bộ đội đóng quân tại đây đã bảo quản kỹ các tháp pháo; hệ thống lô cốt, công sự hiện còn vững chắc, kiên cố cùng năm tháng

Long An đón tôi bằng cơn rào tháng Năm mát rượi. Trong ánh bình minh le lói, pháo đài tiền đồn thấp thoáng ẩn hiện nơi dãy rừng đước um tùm không xa. Đồn Rạch Cát hay Pháo đài Rạch Cốc trong chuyến tình cờ ghé ngang qua sau loạt kí sự dài ngày “Đi tìm 9 Cửa Rồng”, khi đó còn là doanh trại bộ đội. Ngót 10 năm sau, nơi này đã trở thành tuyến điểm tham quan dành cho du khách.

Nằm ngay cửa sông Soài Rạp, nơi ngã ba sông Vàm Cỏ, Soài Rạp (Nhà Bè) và Cần Giuộc (Rạch Cát) thông thương, Pháo đài kiên cố nhất Đông Dương được người Pháp xây dựng cách đây hơn trăm năm. Giờ đây, cánh rừng đước, rừng tràm nơi chân Đồn Rạch Cốc xưa đã um tùm dày đặc, ken kịt hàng cây gấp hàng trăm lần.

Khẩu đại bác trên tháp pháo phía cánh cung bên trái tuy đã không còn sử dụng được nhưng dáng hình vẫn ngạo nghễ vươn nòng.

Pháo đài Rạch Cốc theo tên bà con thường gọi, công sự pháo đài do người Pháp thiết kế theo hình vòng cung trên diện tích khoảng 3 hecta. Gồm 2 hệ thống nổi và chìm; phần nổi là nóc đồn với các khẩu đại pháo đặt trên bệ bêtông cốt thép kiên cố.

Hiện nay chỉ còn các bệ pháo và 2 khẩu đại bác tầm xa cùng các đài quan sát. Phần chìm là các dãy công sự ngầm, có lối thoát ra sông. Tuy nhiên đã bị nước dâng và bùn xâm thực. Nghe đâu thời đó, quân đội viễn chinh Pháp phải chi ra gần 7 triệu francs, cao hơn gấp 3 lần chi phí xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội (2 triệu francs).

Từ trên nóc đồn dõi mắt về hướng mặt trời mọc, cửa Soài Rạp chảy ra vịnh Cần Giờ nhấp nhô sóng; ngược về hướng Nam là sông Vàm Cỏ, hướng Bắc là sông Rạch Cát chảy ngang chân đồn với dải rừng cây chắn sóng ngút ngàn. Đứng trên tháp pháo, cơn gió từ vịnh Cần Giờ thổi vào mơn man.

Buổi chia tay hôm đó, sau cái bắt tay thật chặt, đứa em kết nghĩa hồ hởi nói: Anh về viết bài giới thiệu điểm đến vô cùng đặc biệt này, còn tụi em ở lại gìn giữ nơi đóng quân của mình xanh sạch đẹp chào đón khách. Như vậy mong muốn của 2 anh em thời đó nay đã thỏa nguyện.

À, xuống đảo Long Hựu thăm đồn Rạch Cát, trên đường đi, bạn đọc thong thả thời gian, có thể ghé qua tham quan Nhà cổ trăm cột và đình cây đa Tân Long nữa bạn nhé.

Cầu tàu Bến đò Long Hựu – Vàm Sát kết nối đôi bờ Long An – Cần Giờ, TPHCM. Khuất sau hàng cây đước bên kia bờ thấp thoáng các nhà yến ẩn hiện.

Chỉ một đoạn ngắn từ Pháo đài Rạch Cốc băng qua cửa sông Soài Rạp là cặp bến Vàm Sát – Cần GIờ. Đoạn tiếp theo, tôi lại bon bon xuyên qua tán tràm, đước bạt ngàn xanh mát của khu Rừng Sác, thấp thoáng những khối nhà bê tông nuôi chim yến khi ẩn khi hiện.

Hải sản đêm ở Cần Giờ thuộc hàng nhất nhì xứ biển, không chê vào đâu được nhưng món khác còn hấp dẫn hơn nhiều. Dân ưa dịch chuyển kháo nhau: Đi Cần Giờ mà không ghé thưởng thức món chè cocktail yến, ngâm mình trong hồ tắm sữa tươi nguyên chất thì đúng là quê một cục. Nghe đâu như chuyện nàng Scheherazade của Xứ sở Nghìn lẻ một đêm tắm táp trong bồn dát vàng nhỉ.

Sau chầu cà phê sáng, tôi cứ thong dong chạy ra bến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, chả việc gì phải cấp tập như xưa, phải dậy sớm canh chuyến đò ngang vì phụ thuộc vào con nước. Mới khai trương thời gian gần đây, tuyến phà cao tốc băng qua vịnh Gành Rái giờ đây khiến việc thông thương giữa TPHCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.

Phà thiết kế hai thân, dài 45 m, rộng 10 m; tốc độ tối đa 24 hải lý (hơn 43 km/h). Khoang hành khách với sức chứa 330 người, khoang dưới chứa được khoảng 50 xe máy và 10 ôtô.
Tuyến phà cao tốc Tắc Xuất – Bến Đá rút ngắn hành trình bằng đường bộ từ 3 giờ 30 phút chỉ còn 30 phút. Tuyến vận tải này hiện có 2 phà hoạt động với 24 chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến cách nhau 60 phút.

Tựa lan can vẫy tay chào lá phổi xanh Cần Giờ, lá cờ trên nóc phà phần phật gió. Ngắm nhìn lần nữa thảm rừng ngút ngàn xanh mát, mới thấy vô cùng trân quý cái gọi là lá phổi xanh của Thành phố đẹp và hữu ích đến nhường nào. Thảm rừng xanh hun hút nhỏ dần phía sau, phà trực chỉ núi Tương Kỳ (Núi Lớn – Vũng Tàu) lướt sóng.

Du khách tham quan Bãi pháo cổ Vũng Tàu nằm trên núi Tương Kỳ (Núi Lớn).

Chưa đầy 45phút, chuyến phà đã kéo còi vào bến, chuẩn bị cho chặng tiếp theo còn “quyến rũ” hơn nàng Scheherazade trong truyện Ngàn lẻ một đêm. Đoạn này, tạm bỏ qua dấu tích Công sự pháo đài sát trên núi Tương Kỳ và Tao Phùng (núi lớn, núi nhỏ). Tôi sẽ viết riêng về 2 điểm công sự tại Pháo đài khá đặc biệt này để đi nhanh đến Bảo tàng vũ khí Robert Taylor, kích mục sở thị tận nơi các loại vũ khí từ cổ chí kim tại bảo tàng độc nhất vô nhị ở xứ mình.

Bảo tàng Robert Taylor gồm khoảng 4.000 cổ vật về vũ khí các loại thu thập từ nhiều quốc gia trên thế giới: súng, kiếm, giáo, lưỡi lê, giáp trụ, đồng phục quân đội có từ thế kỷ 12-20.
Không gian trưng bày được phân chia thành các khu vực theo từng chủ đề qua các thời kỳ: từ cổ đại, trung đại, cận đại, cho đến hiện đại.
Cơ cấu chi tiết súng cách đây hàng trăm năm được hoàn thiện tinh xảo đến kinh ngạc.

Có cái gì đó quyến rũ lạ thường, nhất là các đồ khí cụ cổ xưa với những đường nét thủ công tinh xảo, cùng 1 loại vật dụng, soi kĩ chả thứ nào giống thứ nào, đẹp và tinh tế từng chi tiết nhỏ. Thế nên chỉ mất 70.000 đồng/vé người lớn để tham quan Bảo tàng vũ khí cổ này thì thiệt quá xá lời rồi bạn ơi.

“Từ trên boongke, ‘Máy cưa xương MG42’ liên tục khạc lửa, phun ra cả ngàn viên 7ly92, tốc độ 1800phát đạn/phút, khiến bãi biển Omaha, Normandy – Pháp kéo dài hàng dặm trở nên ngầu đục và dậy sóng”, chú Hường thao thao bất tuyệt kể chuyện.

Một chương tự điển 70 tuổi, chi tiết đến kinh ngạc từng milimét của nòng súng, kích cở và trọng lượng đạn các loại v.v.. Tuy nhiên, điều duy nhất nhắc bạn đọc nên cẩn thận với quỹ thời gian của mình khi đến tham quan nơi này nhé! Sẽ mất khá lâu để “thoát” khỏi đây đấy.

Ngoài ra, Vũng Tàu còn sở hữu một bảo tàng nữa cũng “đỉnh” không kém, nằm ngay bãi trước dưới chân núi Tương Kỳ? câu chuyện sẽ tiếp tục cùng bạn đọc chặng tiếp theo từ Vũng Tàu đến Ninh Thuận. Như vậy, nếu tính luôn hệ thống pháo đài nằm trên núi Tao Phùng – Tương Kỳ tại Vũng Tàu và Pháo đài Rạch Cốc ở Long An thì vị trí chiến lược nơi cửa biển vịnh Gành Rái có thể nói bất khả xâm phạm.

Hẹn bạn đọc chặng tiếp theo cùng hành trình những Cung đường ven biển trong số tới nhé!

Nguồn: tapchidulich Hữu Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *