Tại TP.HCM – Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á – ASL Logistics, đã chính thức ra mắt nền tảng số E-pricing nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam chia sẻ: có khoảng 62% doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi số, hơn 24% doanh nghiệp dự kiến triển khai, còn lại là các doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Với logistics truyền thống, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ nhưng với logistics hiện đại thì công nghệ đóng vai trò thay đổi cả quy trình quản trị.
Trước nhu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong ngành dịch vụ logistics – lĩnh vực được xem là “xương sống” của nền kinh tế, ASL Logistics chính thức ra mắt nền tảng số “E-pricing”. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phát biểu tại buổi ra mắt, Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ ASL Logistics cho biết: E-pricing được thiết kế không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn gặp nhiều thách thức trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng do hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm. Nền tảng này cung cấp các giải pháp dễ tiếp cận, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Khi áp dụng nền tảng này, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cân với logistics nhanh chóng về mọi mặt; mở rộng khả năng kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái logistics thông minh, liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác toàn cầu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh: Logistics là lĩnh vực then chốt của TP.HCM là ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và khai thác hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, tổng doanh thu logistics của TP.HCM đạt 180.000 tỷ đồng, con số này thể hiện rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với nền kinh tế thành phố. Chiếm 10% GRDP của TP.HCM. Một trong những giải pháp để tiếp tục khai thác dư địa phát triển ngành này được TP.HCM đề ra là chuyển đổi số.
Đổi mới ngành logistics Việt Nam; nền tảng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tính toán chi phí, mà còn tích hợp nhiều tính năng tiên tiến như: truy xuất dữ liệu lô hàng theo thời gian thực: giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch và chính xác từng giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Lưu trữ và bảo mật thông tin: toàn bộ dữ liệu lô hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được bảo mật trên cùng một nền tảng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Copilot AI: hỗ trợ tư vấn chính sách xuất nhập khẩu và tự động hóa các quy trình như phát hành vận tải đơn, thông báo hàng đến và dữ liệu khai báo hải quan.
Nền tảng này là tiềm năng giúp giảm chi phí logistics từ 16.8-17% GDP xuống gần mức trung bình thế giới (10.6%), nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bà Võ Thị Phương Lan cũng đề cập đến mục tiêu dài hạn của ASL Logistics trong tương lai như: blockchain, đảm bảo tính minh bạch, cải thiện hiệu quả và bảo mật thông tin. Mở rộng khả năng tích hợp với các hệ thống dữ liệu quốc tế nhằm xây dựng một hệ sinh thái logistics thông minh, kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác toàn cầu.
Ngành dịch vụ Logistics hiện nay được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế toàn diện, với nhiều giải pháp nhằm đưa ngành logistics vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Đến nay, ngành Logistics của Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm.