Tổng doanh thu ngành du lịch TP 4 tháng đầu năm đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 17.4% so với cùng kỳ. Thời gian tới, ngành du lịch TP đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh, Chương trình “Chuyển đổi số lĩnh vực du lịch năm 2024”.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban về công tác phát triển du lịch Quý I – 2024 diễn ra tại UBND Q.12 vào sáng 26/4/2024.
Báo cáo tổng kết ngành du lịch TP 4 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch cho biết, doanh thu ngành du lịch thành phố ước khoảng 60.046 tỷ đồng, đạt 31,6% kế hoạch năm 2023 và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ngành du lịch thành phố đã đón 1.833.853 lượt khách quốc tế tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách nội địa đến thành phố cũng đạt 10.885.795 lượt tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, Sở đã phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và 21 quận/huyện đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, dần đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu du khách.
Theo đó, Sở Du lịch tiếp tục giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố; quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nối các doanh nghiệp du lịch lữ hành khai thác và phát triển các tuyến điểm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo sự phong phú, đa dạng cho các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố.
Đồng thời phối hợp doanh nghiệp, chuyên gia du lịch, UBND các quận huyện đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đêm với điểm nhấn là phối hợp với UBND huyện đảo Cần Giờ tổ chức công bố điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ tại điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng 1.
Song song đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển du lịch đường thuỷ, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có 17 sản phẩm du lịch đường thủy, trong đó nhóm sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến được giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch về truyền thông điểm đến du lịch TP.HCM trên các kênh truyền thông trong nước và các kênh online, mạng xã hội.
Sở Du lịch cũng đã đẩy mạnh liên kết các đối tác, đơn vị truyền thông thực hiện các hoạt động, chương trình, chiến dịch truyền thông trên các trang mạng xã hội tập trung truyền thông kỹ thuật số về du lịch thành phố trên hệ thống các trang thông tin của Sở (Cổng Thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Youtube, Zalo),
Cùng các kênh truyền thông của các quận – huyện và ứng dụng Ho Chi Minh City Tourism; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch, theo đó tiếp tục triển khai ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch với Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 (Map 3D/36O) kết nối TP.HCM và 62 tỉnh thành với 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha).
Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp Sở Y tế ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch y tế, tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án phát triển du lịch y tế từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045; đẩy mạnh triển khai chính sách phát triển du lịch MICE tại Thành phố; gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao đồng thời chú ý tôn vinh, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đưa khách MICE đến thành phố…
Trụ trì Tu viện Vĩnh Nghiêm, TT. Thích Giác Dũng giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và xây dựng.
Đoàn tham quan chụp hình lưu niệm tại Tu Viện Vĩnh Nghiêm, Q.12.
Chương trình khảo sát sản phẩm tour liên kết Q.12 TP.HCM và TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Chiều cùng ngày, đoàn khảo sát Sở Du lịch TP.HCM đã đi tham quan, trải nghiệm một số tuyến điểm du lịch trên địa bàn quận Q.12 cũng như một số điểm tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.