CEO Đặng Đức Thành và kế hoạch 100 triệu cây xanh cho TP.HCM

Ngày 24/01/2024; UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới đã có buổi thảo luận về Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM. Sở GPVT TP.HCM đã đề xuất danh mục các dự án giao thông theo tiêu chí bền vững, xanh, sạch để kêu gọi đầu tư. Cùng với đó là một số dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, tại TP.Thủ Đức và các quận – huyện như: Quận Nhất, Cần Giờ…Sau hội nghị, chúng tôi có cuộc trao đổi với CEO Đặng Đức Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Green+, về kế hoạch 100 triệu cây xanh do ông khởi xướng phủ xanh TP.HCM.

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chủ nhiệm CLB Thảo dược trị liệu, Chủ tịch CLB các nhà kinh tế VEC, Chủ tịch Quỹ Vì chất lượng cuộc sống…Ông đã và đang góp phần xây dựng một xã hội xanh – sống lành – sống khỏe như thế nào dành cho TP.HCM.

– CEO Đặng Đức Thành: tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người ở TP.HCM là 02 m2/người. Con số này thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới, tôi hiến kế phát động chương trình trồng 100 triệu cây xanh từ năm 2021 – 2025. Để thực hiện được, tôi huy động toàn xã hội tham gia vào việc trồng cây, lấy kinh nghiệm từ việc trồng 10 triệu cây xanh ở Bến Tre. Ban đầu nhiều doanh nghiệp không tham gia nhưng khi thấy dự án thành công, chạm đến trái tim họ và họ bắt đầu tham gia. Mỗi năm Công ty CP CP – Thái Lan và Công ty Sake Toàn cầu dành hàng triệu cây xanh cho dự án của 100 triệu cây xanh của TP.HCM. Tôi đưa dự án 100 triệu cây xanh cho TP.HCM là dựa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ năm 2021 – 2025, quyết tâm cả nước trồng được 01 tỷ cây xanh. Hiện nay đã đưa ra phương hướng trồng, bảo dưỡng, chăm sóc…thuộc về tất cả, cá nhân, quỹ từ thiện, mỗi người góp một chút và kết quả đó là của xã hội. Để bảo đảm những cây xanh đó sau khi trồng không phải nhổ bỏ hay chết, chúng tôi đã nhờ đến đơn vị chuyên môn chọn cây giống, đơn vị tổ chức bảo dưỡng, đơn vị kiến trúc đô thị…một khi mà mật độ cây xanh bao phủ, nó tạo ra nguồn không khí thông thoáng, làm cho cửa ngõ vào TP.HCM hấp dẫn hơn, điều quan trọng là mang lại chất lượng cuộc sống cho chính chúng ta.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ được vinh danh trong Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2023 nhóm ngành dược phẩm. Ông Lê Đình Phong – Tổng Giám đốc Tập đoàn Green+ nhận chứng nhận.

Là một Tập đoàn mang thương hiệu Green+, ông có thể chia sẻ về những đóng góp của Tập đoàn trong tương lai.

– CEO Đặng Đức Thành: Công ty Cổ phần Tập Đoàn Green+, được vinh danh trong Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2023 nhóm ngành dược phẩm. Công ty CP Tập Đoàn Green+, thành lập năm 2016, hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng. Mục tiêu của Green+ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành tập đoàn chuyên ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng top đầu của Việt Nam. Để làm được điều đó, bên cạnh xây dựng và nhượng quyền Chuỗi Hệ thống nhà thuốc Green+ chuẩn GPP, Green+ đã hợp tác với các đối tác quốc tế tại Nhật Bản và Hoa Kỳ sản xuất và kinh doanh các dòng sản phẩm thảo dược và thực phẩm chức năng cao cấp chuẩn quốc tế; đồng thời triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng Green+ tại Bến Tre.

Được biết là ông đã xuất bản nhiều quyển sách liên quan đến mội trường xanh và chất lượng sống, ông có thể chia sẻ vì sao ông lại chọn những đề tài như thế để viết sách?

– CEO Đặng Đức Thành: trong cuốn sách “Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống”, tôi đưa ra nhiều giải pháp cho mục tiêu này. Giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP, mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 15%, đến năm 2050 đạt mức phát thải này bằng không.

Xanh hóa các ngành kinh tế: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mực tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hòa nhập với thế giới.

Sách “Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống” gồm 03 phần và 13 chương: phần I : Biến đổi khí hậu và nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống. Phần II: cây xanh và giá trị sống đích thực. Phần III: những khởi động bước đầu tạo lập môi trường xanh cho Việt Nam.

Dòng sông Sài Gòn

Kinh doanh toàn cầu đang hướng đến “chuyển đổi xanh”, ông nhận thấy TP.HCM cần làm gì để có một thương hiệu xanh hoá trong tương lai?

 CEO Đặng Đức Thành: Rồng Xanh sông Sài Gòn là thương hiệu đặc biệt của TP.HCM – là một tác phẩm kiến trúc thiên nhiên văn hóa là biểu tượng thiêng liêng quý giá, là tiềm năng tự hào của người dân TP.HCM. Với chương trình đánh thức con rồng xanh chính là điểm nhấn mô hình mẫu cho TP.HCM thực hiện chuyển đổi xanh phát triển bền vững, ứng với biến đổi khí hậu.

Trong loạt đề án triển khai quy hoạch để phát triển đô thị TP.HCM năm 2023, đề án “Kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn” nối quận 01 với Củ Chi được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên; trong thực tế hiện nay việc lấn chiếm sông của nhiều dự án, biệt thự đã khiến diện mạo bờ sông trở nên chắp vá. Do vậy, tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, với đề án “Đánh thức con rồng xanh” là cơ hội tăng cường đáng kể diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa sông nước. Công trình góp phần tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, du lịch, giải trí, kinh tế cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho thành phố trong xu hướng giảm thiểu phát thải, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM là 01 trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. TP.HCM đang tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2060; do đó rất cần sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, trí thức, người dân vào định hướng phát triển tương lai thành phố trong đó đặc biệt là đề án “Đánh thức con rồng xanh”, rồng xanh sông Sài Gòn xứng đáng trở thành tâm điểm là thương hiệu cho TPHCM.

Trân trọng cảm ơn CEO Đặng Đức Thành!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *