Tôi nhớ như in…vài năm sau giải phóng; người dân TP.HCM bắt đầu đi du lịch theo kiểu “đi Chùa”, vì thời đó còn cấm vận, đi lại khó khăn, chưa có nhiều đơn vị làm du lịch nhưng nhu cầu đi viếng Chùa là một thế giới riêng tư của người Phật giáo. Do nhu cầu đó mà một số Phật tử ở các chùa thường tổ chức bao xe đi viếng chùa đầu năm, viếng Linh Sơn Tự trên Núi Bà Đen là số một, trong những ngày đầu năm không thể bỏ qua.
Khi đó; con đường lên Linh Sơn Tự còn vô cùng khó khăn, các chuyến xe từ các tỉnh cũng như TP.HCM phải đi từ lúc nửa đêm, để vừa tờ mờ sáng là đến chân núi Bà Đen cho kịp leo núi trước khi mặt trời lên. Con đường lên núi cứ như một góc rừng thu nhỏ, chuối mọc ven đường đi, mọi người cứ bám thân chuối mà leo lên…đi riết mà chuối không phát triển nổi, mai mà mỗi năm chỉ đi có 02 mùa Tết – mùa Vía Bà Đen. Khu núi Bà Đen cũng phát triển dần theo nền kinh tế – xã hội của Việt Nam, nơi đó thay đổi từng ngày để phục vụ nhu cầu tâm linh cho cả khu vực Đông Nam Bộ, nhân dân Tây Ninh và bà con ven biên giới.
Năm 1989, quần thể núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia. Đến năm 1998, công trình đầu tiên phát triển du lịch núi Bà Đen đã được xây dựng.
Đến năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã chính thức ký quyết định “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen”; đến năm 2017 – 2018, Tập đoàn Sun Group đã trở thành đơn vị đầu tư, hợp tác phát triển cùng với UBND tỉnh Tây Ninh cho khu du lịch Sun World BaDen Mountain. Khai mở huyền thoại – Chinh phục đỉnh thiêng, là khẩu hiệu chính thức mà tập đoàn này sử dụng để quảng bá cho khu du lịch. Từ khi Núi Bà Đen được công nhận là KDL Du lịch quốc gia Núi Bà Đen, gắn với các di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia được bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy, thì núi Bà Đen dần trở nên thông thoáng, đường lên núi được tu bổ hàng năm nhưng vẫn chưa được khang trang như bây giờ.
Khu du lịch Núi Bà Đen – hay Sun World BaDen Mountain, là tập hợp các điểm du lịch nằm trong quần thể núi Bà Đen thuộc địa phận phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân của thành phố Tây Ninh và một phần xã Suối Đá, xã Phan của huyện Dương Minh Châu. Khu du lịch hiện đang sở hữu Kỷ lục Thế giới Guinness với công trình ga Bà Đen là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”. Ngoài ra, còn có Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn với hai kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”. Đây cũng là nơi đầu tiên của Việt Nam vận hành loại hình du lịch máng trượt và cáp treo.
Sự đầu tư bài bản, quy mô đã mang tới cho KDL Quốc gia núi Bà Đen diện mạo mới với các công trình đẳng cấp. Du khách tới núi Bà Đen có thể khám phá “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới” đạt kỷ lục Guinness, đi cáp treo lướt giữa mây núi để chinh phục “nóc nhà Nam bộ” cao 986m chưa đầy 10 phút thay hàng giờ leo bộ như trước, thưởng ngoạn không gian hoa rực rỡ bốn mùa được KDL Sun World BaDen Mountain tạo tác trên đỉnh núi với các tiểu cảnh đẹp mắt, thưởng thức ẩm thực Âu Á đặc sắc ngay trên đỉnh núi, giữa không gian lãng mạn của mây, của hoa và rừng cây xanh ngát.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng KDL Quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035, quy mô lập quy hoạch khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen là 2.903,79 ha. Dự báo quy mô khách đến năm 2025 khoảng 5.000.000 lượt khách, đến năm 2035 khoảng 8.000.000 lượt khách; quy mô lao động đến năm 2035 khoảng 4.000 người, quy mô dân cư trong khu vực quy hoạch khoảng 4.000 dân; đến năm 2035, quy mô đất xây dựng các khu chức năng đạt khoảng 1000 ha.
Quan điểm phát triển: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa – tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao nhằm thu hút đầu tư, khắc phục tính thời vụ trong khai thác, phát triển du lịch; hướng tới xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành một trung tâm du lịch đặc sắc, có chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Hình thành Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đồng bộ về dịch vụ du lịch, hạ tầng kỹ thuật và môi trường; kết nối hài hòa với không gian đô thị của thành phố Tây Ninh và các khu vực phụ cận, tạo nên một tổng thể đô thị – du lịch mang sắc thái riêng của tỉnh Tây Ninh đối với vùng TP.HCM và cả nước.
Các khu chức năng phục vụ du lịch gồm: khu tâm linh, di tích; khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại và dịch vụ du lịch trên đỉnh núi; khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Phụng và núi Đất; các khu chức năng du lịch sinh thái quanh chân núi. Trong đó, khu vực ven chân núi phía Nam, bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch tâm linh quần thể Chùa Bà hiện hữu và là đầu mối kết nối khu tâm linh, di tích, tôn giáo với khu tham quan chuyên đề trên đỉnh núi thông qua hệ thống cáp treo hiện đại, đảm bảo lưu thông theo các hướng tuyến trong khu du lịch.
Quy mô toàn khu khoảng 77,05 ha; trong đó, diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 30%, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao tối đa 03 tầng. Khu vực ven chân núi phía Đông; tiếp giáp đường Khedol – Suối Đá, có quy mô khoảng 389,64 ha, hình thành các công viên sinh thái theo chủ đề như công viên các loài bướm, các loài chim; vườn thú Safari; vườn thực vật; các khu nghiên cứu môi trường,… và các khu thương mại dịch vụ du lịch phục vụ các hoạt động du lịch dã ngoại. Diện tích xây dựng các hạng mục công trình phục vụ du lịch chiếm khoảng 5%.
Khu vực quanh sườn núi phía Tây Nam, là khu vực khai thác lợi thế về điều kiện địa hình và cảnh quan tự nhiên, tổ chức các khu công viên sinh thái theo chủ đề, phát triển khu làng văn hóa, vườn thảo dược và công viên sinh thái ven hồ kết hợp thể thao mạo hiểm, hoạt động dã ngoại và bố trí hệ thống công trình dịch vụ thương mại phục vụ du lịch, bao gồm các khu: Khu nghỉ dưỡng, lưu trú trên sườn núi Phụng và núi Đất; khu làng văn hóa, vườn thảo dược và công viên sinh thái ven hồ; khu công viên chuyên đề dọc tuyến đường bộ lên đỉnh Núi Bà.
Khu dân cư phục vụ khu du lịch: tổ chức các khu nhà ở thấp tầng, mật độ thấp; các khu nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ và hệ thống các công trình công cộng nhằm cải thiện, nâng cao điều kiện môi trường sống cho khu dân cư hiện hữu. Khai thác hiệu quả quỹ đất tại vị trí tiếp giáp với khu vực nội thị thành phố Tây Ninh nhằm chỉnh trang, quản lý kiến trúc cảnh quan tại không gian cửa ngõ hiện hữu của khu du lịch. Quy mô khoảng 78,15 ha, dân số khoảng 4.000 người; tỷ lệ đất nhóm nhà ở chiếm khoảng 40% diện tích khu vực, dành quỹ đất bố trí công trình phục vụ đơn vị ở, hệ thống công viên cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Mảnh đất Tây Ninh như nàng công chúa xinh đẹp “ngủ quên” bên sông Vàm Cỏ. Rồi một ngày được đánh thức; dưới bàn tay của ” người khai mở Sun Group “, Tây Ninh với vẻ đẹp tươi mới đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trên hành trình phiêu du đất Việt của nhiều du khách.
Nguồn: nhipcauthuonghieu – T.T