Khai mạc triển lãm Long vân Khánh hội

Sáng 25/12/2023; Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”, nhân dịp xuân Giáp Thìn – 2024. Trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra đến ngày 31/03/2024, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Rồng là một biểu tượng văn hóa, là một sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên – xã hội. Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển của các dân tộc, hình tượng rồng còn được gắn các ý nghĩa mới, phù hợp với tính chất thời đại như biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng. Trong tâm thức của người Việt, rồng là cội nguồn của dân tộc – đi ra từ truyền thuyết; trong tư duy nông nghiệp là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trên trang phục; trong đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.

Nhân dịp chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”, giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật của bảo tàng và một số sưu tập tư nhân. Các hiện vật được chia thành các chủ đề sau:

Hình tượng rồng trong cung đình: chủ yếu là nhóm đồ gốm ngự dụng thời Lê Trịnh và thời Nguyễn do triều đình đặt hàng Trung Quốc sản xuất. Các bộ long bào triều Nguyễn thêu hình rồng năm móng, sách phong và ấn chương gắn với các nhân vật lịch sử của triều Nguyễn. Đặc biệt nhất là ngọc dụ bằng vải thêu và sắc phong thần bằng giấy thời vua Thiệu Trị là những hiện vật lần đầu tiên được ra mắt công chúng.

Hình tượng rồng trong kiến trúc: được thể hiện qua các hiện vật bằng đất nung như: gạch xây dựng, phù điêu trang trí trên mái cung điện thời Lý, Trần, Lê. Thông qua đó, người xem sẽ thấy được nét đặc trưng của con rồng ở mỗi triều đại cùng sự biến chuyển về hình dáng qua các thời kỳ.

Hình tượng rồng trong tín ngưỡng tôn giáo: được thể hiện trên các hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng như: lư hương, bát nhang, ngai thờ, khánh thờ, chân đèn… bằng các chất liệu gốm, gỗ, đồng, pháp lam. Các đề tài được sử dụng thường là “Lưỡng long chầu nhật”, “Long vẫn”, “Long hàm Thọ”… nhằm chuyển tài mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt: gồm các hiện vật như chén, bát, đĩa, bình, khay, hộp, đồ trang sức… với các chất liệu vô cùng phong phú. Hình tượng rồng được thể hiện với nhiều cảm xúc tươi vui, dung dị; hình thức trình bày có sự kết hợp giữa cách điệu xen lẫn tả thực, quy phạm hòa với dân gian.

Chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam sẽ được diễn ra từ ngày 25/12/2023 đến ngày 31/03/2024, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM – số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 01, TP.HCM.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *