Xúc động chương trình “Nữ tình báo – Chuyện bây giờ mới kể” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2023) và 78 năm Ngày Tình báo Quốc phòng Việt Nam (25/10/1945 – 25/10/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức chương trình giao lưu “Nữ tình báo – Chuyện bây giờ mới kể”.

Đến tham dự có sự hiện diện của: ông Trương Kim Quân – Phó trưởng phòng quản lý di sản văn hóa – Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM, Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cùng các nhân chứng tham dự chương trình giao lưu là bà Nguyễn Ngọc Huệ – Trạm giao liên tình báo Biệt động Sài Gòn, Bà Nguyễn Thị Hồng Châu – Ban Quân báo Trinh sát Biệt động sài gòn, ông Hồ Duy Hùng – Chiến sĩ Quân báo Quân khu Sài Gòn – Gia Định, bà Phạm Thị Tư – Quân báo J90 Lực lượng Quân báo Bộ Tư lệnh Sài Gòn cùng các vị khách quý.

Phát biểu mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chia sẻ: “Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, đã pjhari căng mình đối phó với cả thù trong giặc ngoài. Để kịp thời nắm âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch, phục vụ công cuộc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và cuộc kháng chiến, kiến quốc lâu dài của toàn dân, ngày 25/10/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Tình báo Quốc phòng Việt Nam. Quyết định đó thể hiện tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đặc biệt quan trọng của Quân đội, của Đảng và Nhà nước. Đây là tổ chức Tình báo đầu tiên của Việt Nam và là tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Việt Nam (Tổng cục 2) ngày nay.

Đến với buổi giao lưu, mỗi chiến sĩ tình báo đều mang đến những câu chuyện khác nhau. Qua đó, không chỉ tái hiện lại một thời kì lịch sử đau thương, oai hùng của dân tộc mà còn gợi nhắc về một thế hệ cha ông can trường, dũng cảm đánh đổi thanh xuân, sức khoẻ, tính mạng của mình để dành lại độc lập vẹn tròn cho Tổ quốc hôm nay.

Đặc biệt, khi tham gia công tác tình báo – biệt động, người phụ nữ không chỉ sẵn sàng hy sinh mà còn chấp nhận những nghịch cảnh vô cùng trớ trêu, để qua mặt địch các mẹ, các chị sẵn sàng “vào vai với những thân phận khác nhau” có khi trong vai trò là nhân viên phục vụ quán phở, cũng có khi trong vai một người giúp việc nhà, có lúc là người yêu, là phu nhân của những người bên kia chiến tuyến, là những người phụ nữ ngược xuôi sông nước để mưu sinh…. Dù là ở vị trí nào, những người nữ tình báo cũng cố gắng qua được cặp mắt tinh tường của địch.

Rất nhiều cán bộ tình báo đã phải xa hậu phương, gia đình, gác lại tình riêng để đi làm nhiệm vụ, phải chịu đựng sự căn thẳng tinh thần, hiểm nguy rình rập khi hoạt động trong hàng nũ của địch, dẫn đường cho bộ đội tác chiến. Những nữ chiến sĩ không chỉ tham gia vận chuyển vũ khí mà còn làm coog tác đưa quân vượt qua vòng tuyến địch để vào nội đô một cách an toàn, xác định “ra đi là không có ngày trở về” – những chiến sĩ tình báo lặng thầm bám sát địch, theo dõi, điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin để báo cáo về cấp trên và thậm chí hy sinh thân minh trong khi làm nhiệm vụ.

Như câu chuyện của nữ chiến sĩ công an, hoạt động trong sào huyệt địch Nguyễn Thị Hồng Châu ở Châu Thành, Bến Tre, công tác tại đội trinh sát an ninh tỉnh từ năm 1969 – 1971, đã lập thành tích trực tiếp đánh 17 trận, diệt và làm bị thương 174 tên địch. Trong đó trận đánh vào ban ngày ngay sào huyệt địch tại thị xã Cà Mau, chị đã kịp thời tháo gỡ mìn trước giờ nổ để bảo vệ tính mạng cho hàng trăm đồng bào.

Những nữ tình báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, viết nên trang sử hào dùng của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam nói riêng và lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Chương trình thật ý nghĩa và xúc động, những tràng pháo tay liên tục, không ngớt của các em học sinh, đại biểu đã thể hiện sự khâm phục những chiến công qua phần kể chuyện đầy thông minh, dí dỏm, pha lẫn hài hước của các cựu điệp viên tình báo. Hơn hết, chương trình không chỉ khẳng định vai trò của phụ nữ trong cuộc kháng chiến giải phóng dân dộc, thống nhất đất nước mà qua đó đã tăng thêm sự hiểu biết lịch sử phát huy truyền thống yêu nước của các thể hệ trẻ việt nam đặc biệt là thể hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc hơn về độc lập dân tộc về cuộc sống tự do và sự nghiệp cách mạng của ông cha để lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *