Ngày 22/9, Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM phối hợp tổ chức Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về đau mắt đỏ và cơ xương khớp”. Chương trình được diễn ra tại Hội trường Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM (33 Vĩnh Viễn, P.2, Q.10, TP.HCM) sáng ngày 22/9 dành cho hơn 300 cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên của nhà trường.
Nhà trường đánh giá cao chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”
“Vui khỏe mỗi ngày” là chương trình tư vấn y khoa định kỳ hằng tháng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp với người dân. Thời gian qua, chương trình đã đến với người dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, nhà trường rất chú trọng đến việc tuyên truyền kiến thức phòng tránh các bệnh tật, tổ chức khám sức khỏe thường niên và mua bảo hiểm y tế để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên khuyến khích việc rèn luyện và chăm sóc sức khỏe cho quý thầy, cô và sinh viên của trường thông qua các hoạt động phong trào, các giải, các hội thao.
“Nhà trường đánh giá cao chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, một sáng kiến của Tạp chí Khoa học phổ thông, nhằm nâng cao sự hiểu biết của mọi người trong việc phòng tránh các bệnh lý thường gặp, rất phù hợp với sự quan tâm của nhà trường. Vì vậy, khi đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông ngỏ lời phối hợp tổ chức chương trình, nhà trường quyết định đồng ý thực hiện ngay, nhằm trang bị cho các thầy cô và sinh viên cách nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và đặc biệt là bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại TP.HCM hiện nay…” – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM chia sẻ.
Chia sẻ về chương trình lần này, nhà báo – ThS. Bùi Hương – P.Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông chia sẻ, bệnh cơ – xương – khớp là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở mọi độ tuổi. Từ trẻ nhỏ cho đến người cao tuổi. Chính vì vậy, việc tự trang bị kiến thức đủ và đúng về bệnh lý xương khớp có thể giúp mọi người chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra. Riêng đối với bệnh đau mắt đỏ, hiện nay, bệnh này đang bùng phát tại TP.HCM và có nguy cơ lây lan thành dịch. Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về đau mắt đỏ và cơ xương khớp” cho Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 9/2023 để nâng cao sự hiểu biết và đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng hiện nay.
Chủ đề của chương trình rất thời sự
Đến với chương trình vui khỏe mỗi ngày lần này, ThS.BS Nguyễn Văn Huy – Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn-ITO Phú Nhuận sẽ có bài chia sẻ về cách: “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp” và BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ – chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM sẽ có bài trình bày để hướng dẫn mọi người cách “Nhận biết và cách xử trí bệnh đau mắt đỏ”.
ThS.BS Nguyễn Văn Huy cho biết, các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp gồm 2 nhóm: nhóm các bệnh lý liên quan đến chấn thương và nhóm các bệnh lý không hoặc ít liên quan đến chấn thương. Triệu chứng của bệnh là đau, sưng nề, bầm tím, mất hoặc giảm cơ năng và gãy xương. Hiện nay, các loại bệnh nhiều người mắc phải là thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống – thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, gout, các bệnh gân cơ, loãng xương… Bệnh xương khớp rất đáng chú ý ở môi trường dạy và học, do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việc chủ động phòng ngừa bệnh xương khớp là cần thiết cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Khi gặp các bệnh lý về cơ xương khớp, người bệnh cần phải điều trị và có thể khỏi hoàn toàn nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với bệnh đau mắt đỏ, BS.CKII. Nguyễn Thị Diệu Thơ cho biết, bệnh còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Sau 2-14 ngày ủ bệnh, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải là đau mắt đỏ ở 1 mắt và sau đó lan sang mắt còn lại, mắt có nhiều ghèn. Nguyên nhân phần lớn là do vi-rút Adenovirus và Enterovirus. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi, chăm sóc để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
Do đó, mọi người cần phòng ngừa bệnh như: Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cồn 70°) là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu; Vệ sinh những vật dụng như: nắm tay cửa, điện thoại, bàn phím, chăn – gối, khăn,… khi người bệnh có tiếp xúc. Người bệnh nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp vì bệnh lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi ho hoặc nhảy mũi, hạn chế đi học, đi làm khi mắt còn đỏ và chảy nước mắt (từ 5 – 7 ngày).
BS.CKII. Nguyễn Thị Diệu Thơ lưu ý, người bệnh bị đau mắt đỏ không đưa vật lạ vào mắt như: xông hơi lá trầu, nặn chanh, đắp lá cây, lá nha đam, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ… vì có thể làm mắt bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thông tin thêm:
Nhà báo Hoàng Công Chương phụ trách chương trình Vui khỏe mỗi ngày Tạp chí Khoa học phổ thông thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn-ITO, sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt TP.HCM, Công ty CP Koro, ông Nguyễn Văn Đắng – P.Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày diễn ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM…