LỄ GIỖ LẦN THỨ 191 ĐỨC TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT

Với truyền thống của dân tộc là “Uống nước nhớ nguồn” và “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt đã long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 191 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.          

Tham dự Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủyTPHCM Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải.

Sinh thời, Đức Thượng Công làm Tổng trấn Gia Định thành thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an và mở mang vùng đất Nam Bộ. Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi người là Ông lớn. Do đó khi tạ thế năm 1832, Tả quân được nhân dân xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) và hết lòng thờ phụng đến ngày nay. Đồng thời, trong cách nhìn của dân gian, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị “Phúc thần” linh hiển.

Nhằm ghi nhớ công lao bậc “khai quốc công thần” gần 200 năm qua, người dân Sài Gòn – Gia Định và nay là TPHCM vẫn duy trì lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt hàng năm, được diễn ra vào ngày 30/7 và ngày 1 – 2/8 Âm lịch, gồm nghi lễ cúng Tiên thường, chánh giỗ và hậu thường.

Theo phong tục, Lễ giỗ của Đức Thượng Công Tả quân được tổ chức theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng tộc dành cho các vị khai quốc công thần. Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long – mã – phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam. 

Ông cha từ ngàn xưa để lại, miếng trầu là đầu câu chuyện. Thế nên, trong nghi lễ nghinh tiếp quan khách sẽ có: lễ mời trầu rượu, tặng lộc. Và năm nay, Ban quý tế gửi tặng lộc quý thượng công đến quan khách mang 4 từ: “Thượng Công Tọa Trấn”, được tạm dịch là nơi đây vùng đất Gia định, đức thượng công tạ thiên tọa vị trấn giữ. 

Vào những dịp này, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt không chỉ đón khách thập phương đến dâng hương, tham quan và đặc biệt là thưởng thức hát bội – loại hình nghệ thuật được Đức Tả quân rất yêu thích lúc sinh thời. Nhiều tài liệu lịch sử lẫn những giai thoại dân gian kể lại rằng, sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu, vở hát bội kinh điển được lưu truyền cả trăm năm, không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người.   

Bên cạnh đó, dịp lễ giỗ Đức Tả quân hằng năm, đều có vở diễn “Lê Công kỳ” án kể về công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Gia Định, đặc biệt là công tác an dân, chống tham nhũng, trừng trị những kẻ sâu dân mọt nước để lại bài học không bao giờ cũ cho muôn đời sau.

Chính từ nét sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm dấu ấn đình làng Nam bộ, hát bội trong Di tích Lăng Lê Văn Duyệt trở thành lớp ký ức được mong đợi của nhiều thế hệ người dân thành phố. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ giỗ, Lăng Lên Văn Duyệt đã tiếp đón gần 100 đoàn đến từ các đình, tổ đình, miếu… tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận về dâng hương Đức Tả quân.       

Đây là dịp tưởng nhớ công đức to lớn của Đức Tả quân, đồng thời tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Từ đó, nhằm giáo dục cho các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn, đồng thời bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa dân tộc.            

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *