DI SẢN VÀ KÝ ỨC – BỨC TRANH TỪ NHỮNG MẢNH GHÉP

Hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Cổ Vật TP.HCM và 44 năm ngày thành lập Bảo Tàng Lịch Sử TP.HCM, cả 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản và ký ức – bức tranh từ những mảnh ghép”.

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM luôn mang sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Và trong những năm gần đây, bảo tàng đã có nhiều hình thức nhằm đa dạng hóa và xã hội hóa hoạt động bảo tàng thông qua việc trưng bày và phối hợp với nhiều cá nhân và tổ chức. Đặc biệt trong số đó, có Hội cổ vật TP.HCM.

Sự kiện vinh dự có sự hiện diện của: Ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM, ông Hoàng Nghị – Trưởng phòng di sản văn hóa, Sở VH&TT, bà Vũ Kim Anh – Nguyên Phó GĐ Sở VHTT&DL TP.HCM, ông Lê Thanh Nghĩa – Chủ tịch Hội Cổ Vật Tp.HCM, Ông Mai Quốc Thắng – Phó Chủ tịch Hội Cổ Vật TP.HCM, Nhà nghiên cứu Trần Đinh Sơn, Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản – Văn hóa TP.HCM và Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo Tàng Lịch sử TP.HCM. Ngoài ra, đại diện các bảo tàng tại TP.HCM cũng đến tham dự.

Chuyên đề “Di sản và ký ức – bức tranh từ những mảnh ghép” dịp này, đã giới thiệu đến công chúng gần 170 hiện vật tiêu biểu được chọn lựa từ các bộ sưu tập quý của 27 Hội viên, thể hiện những dấu ấn lịch sử – văn hóa Việt Nam và giao lưu văn hóa trong khu vực. 

Chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20), với nhiều loại hình: đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng trong thưởng ngoạn (uống trà, uống rượu). Bên cạnh dòng gốm truyền thống, còn có dòng gốm sứ đặt hàng Trung Quốc sản xuất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Nghĩa – Chủ tịch Hội Cổ Vật TP.HCM cho biết: “Được thành lập vào tháng 9 năm 2009, Hội cổ vật TP.HCM tiền thân là Câu lạc bổ Cổ vật Nam Bộ, là một tổ chức tự nguyện, tập hợp các cá nhân có cùng sở thích sưu tầm và nghiên cứ cổ vật, có tâm huyết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tiền nhân để lại”

Nềm đam mê cổ ngoạn lan tỏa từ 55 hội viên ban đầu, đến nay Hội Cổ vật TP.HCM đã thu hút thêm thành viên mới đến từ nhiều vùng miền, thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, và độ tuổi khác nhau. Mỗi thành viên với tâm huyết và sự hiểu biết của mình đã tự xây dựng bộ sưu tập riêng và trở thành những mảnh ghép của bức tranh di sản văn hóa nhiều màu sắc và đa dạng.

Và cũng nhân dịp đặc biệt này, hơn 70 hiện vật quý từ một số nhà sưu tập thuộc Hội Cổ vật TP.HCM dành tặng cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với hy vọng trong mối quan hệ giữa Hội cổ vật TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày càng thắt chặt và phát triển về lĩnh vực di sản văn hóa.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM TS Hoàng Anh Tuấn còn cho biết thêm: “Hiện vật thời Nguyễn lần này giới thiệu rất phong phú, nhất là về chất liệu: đá, gỗ, ngà, đồng qua các hiện vật: nghiên mực, khay, hộp đựng sắc phong, trấn phong, lư trầm, con dấu… Đồ thờ cúng, lư hương – những loại hình không thể thiếu trên bàn thờ thần, Phật trong đình, đền, chùa, miếu, mà ngay cả trong phong tục thờ cúng tại gia cũng được chúng tôi giữ bí mật đến giờ chót. Lư thường có dạng hình khối chữ nhật được trang trí hoa văn tỉ mỉ, nên những chiếc lư hương không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa mà cả ý nghĩa lịch sử”.

Có thể nói, hoạt động lần này đem đến rất nhiều ý nghĩa cho công chúng và những người yêu cổ ngoạn tìm thấy những miền ký ức của mình qua các câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về tri thức, lịch sử văn hóa được chuyển tải từ những mảnh ghép di sản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *