Chiều 31/08/2023; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – ACV, chủ đầu tư dự án thành phần 03, dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 01 đã tổ chức lễ khởi công xây dựng các công trình nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay. Gói thầu số 12 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chính thức khởi công vào chiều 31/08 và được kết nối trực tiếp với đầu cầu dự án Sân bay Long Thành.
Nhà ga hành khách T3 – Tân Sơn Nhất:
Tại lễ khởi công Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Thượng tướng Võ Minh Lương…
Dự án do ACV làm chủ đầu tư gồm 03 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).
Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 01 tầng hầm và 04 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 02 cao trình đi và đến riêng biệt. Nhà ga được bố trí 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 06 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Nhà ga T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại máy bay, dự án được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng đường giao thông kết nối do TP.HCM làm chủ đầu tư, giải quyết căn bản tình trạng giảm tải số lượng hành khách tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện tại và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhà gà T3 nằm sát bên khu vực nhà ga hành khách T1 và T2 hiện hữu của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là quỹ đất 27,85 ha tại quận Tân Bình thuộc quyền sở hữu của Bộ Quốc Phòng. Đường giao thông kết nối với nhà ga T3; nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, quy mô khoảng 11,8 ha. Các công trình phụ trợ của dự án nhà ga T3 bao gồm: khối tổ hợp chức năng, nhà để xe cao tầng, khu dịch vụ hàng không – thiết kế cao 13 tầng, sân đỗ máy bay có độ rộng 4.670m2,, sân đường nội bộ, bãi để xe…
Khởi công dự án sân bay Long Thành:
Vào lúc 15 giờ, ngày 31/8, gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã khởi công xây dựng. Tham dự lễ khởi công tại đầu cầu dự án Sân bay Long Thành còn có Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Văn Nên, cùng lãnh đạo các Bộ – Ngành Trung ương và các địa phương…
02 gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 01 gồm: gói thầu 5.10 “thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” và gói thầu số 4.6 “thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác” thuộc dự án thành phần 03. Nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có công suất 25 triệu hành khách/năm, được thiết kế bởi các đơn vị tư vấn thiết kế sân bay hàng đầu thế giới.
Dự án nhà ga sân bay Long Thành có tổng kinh phí đầu tư 35.000 tỷ đồng; xây dựng trên khu đất rộng 150 ha, thiết kế 02 luồng đi và đến tách biệt, gồm: 01 tầng trệt và 03 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay. Nhà ga dự kiến hoàn thành và khai thác trong năm 2026. Nhà ga hành khách sân bay Long Thành lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 03 cánh.
Nhà ga hành khách được xem là “trái tim” của sân bay Long Thành, với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung. Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.