TUẦN LỄ GIỚI THIỆU CÁC SẢN PHẨM OCOP VÀ SẢM PHẨM ĐẶC TRƯNG CỦA TIỀN GIANG TẠI TP.HCM

Sáng ngày 29/08/2023; tại TP.HCM – tỉnh Tiền Giang đã chính thức khai mạc “Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM”.

Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM diễn ra cùng thời điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023, nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách tham quan và mua sắm tại TP.HCM. Sự kiện này cũng tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững với đa dạng các chủng loại hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh.

Từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, Tiền Giang đã có 207 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 112 sản phẩm 3 sao; ngoài ra có 05 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao.

Trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ triển lãm sản phẩm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang”, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Việt thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com”.

06 tháng đầu năm 2023, GRDP của Tiền Giang tiếp tục tăng trưởng 3,03% so với cùng kỳ, với quy mô GRDP xếp thứ 21/63 tỉnh, thành trên cả nước, đứng thứ 03/13 tỉnh – thành phố vùng ĐBSCL.

Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, Thanh long Chợ Gạo … Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tỉnh Tiền Giang hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên 15.000 ha, sản lượng khai thác trên 360.000 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 32 doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu trực tiếp; trong đó, có 19 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, 06 doanh nghiệp chế biến rau quả và 07 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Năng lực chế biến gạo có quy mô khá lớn với 195 cơ sở với tổng công suất là 2,58 triệu tấn/năm.

Trong 06 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 2,2 lần về lượng và 2,7 lần về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022; toàn tỉnh hiện có 121 cơ sở chế biến thủy, hải sản với công suất 345.000 tấn/năm; trong đó, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Đặc biệt có 04 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn, với vùng nuôi đáp ứng khoảng 80% sản lượng nguyên liệu/năm. Năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 152,5 triệu USD; tỉnh hiện có 06 nhà máy chế biến hàng rau quả với quy mô khá lớn như: Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico – với dây chuyền chế biến rau quả cấp đông sấy thăng hoa hiện đại, công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày. Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát thuộc Tập đoàn Andros Pháp với công suất chế biến 16.000 tấn/năm. Công ty TNHH MTV Long Uyên với công suất 10.000 tấn nguyên liệu/năm. Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang, với công suất 11.000 tấn thành phẩm/năm. Công ty TNHH MT, với công suất 3.000 tấn nguyên liệu/năm. Công ty TNHH Trái cây Lộc Phát với công suất 4.500 tấn nguyên liệu/năm…

Những năm gần đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Tiền Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước; giá trị cũng như sản lượng tăng nhanh qua các năm và đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đã tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *