KHÓ CƯỠNG LẠI CHẠO TÔM 5 RI Ở ĐỒNG NAI

Lâu lắm rồi… tôi mới có dịp ghé lại Đồng Nai – nơi ghi dấu ấn trong lòng tôi từ hội thi “tiếng kèn đồng” lần đầu tiên, cũng từ đó tôi thường lên xuống Đồng Nai.

Hôm đó…đoàn chúng tôi ghé vào quán 5 Ri; bồi dưỡng cho bao tử, không ngờ khi thưởng thức món tôm càng xanh ram mặn, cầm tay ăn và mút gạch trên đầu nó thì cảm thấy thú vị làm sao. Vì sao? Vì được làm người dân dã khi ăn, có thế thôi, mà nó ngon thật.

Món tôm càng xanh ram mặn

Nếu món tôm ngon khi được ăn bằng tay thì đến món chạo tôm lại mang đến cảm giác khoái khẩu khác lạ. Cắn miếng chả, chấm gia vị… cho vào miệng như có cảm giác vị ngọt của mía, vị tươi và dai của tôm, dễ làm cho người thưởng thức thấy ngon miệng.

Vẫn chưa thấy ai nghiên cứu về con tôm ở Đồng Nai, cũng không rõ ở Đồng Nai có vùng nào nuôi tôm như ĐBSCL không? Nhưng ở thời Pháp thuộc đã từng đòi mua công thức tạo ra màu “lam” – xanh trên gốm của người Chăm ở vùng Cù Lao Phố – Đồng Nai và cũng đã có câu nói: đĩa bàng than con tôm càng dựng đứng.

Quán ăn 5 Ri vào chiều tối đông nghịt khách vào thưởng thức các món ăn chế biến từ tôm mà họ cho là “không cưỡng lại chạo tôm”, lẩu tôm, tôm ram… Nhìn hình ảnh của chủ quán trên facebook và cái tên quán rất là “nông dân” nhưng không rõ chủ quán là người địa phương hay người phương xa đến lập nghiệp như người dân Đồng Nai xa xưa hay nói: nước sông trong chảy lộn sông ngoài, hỡi người xa xứ đến đây, đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây thì về…

Lần về một thương hiệu:

Lẩu tôm Năm Ri là một trong những địa chỉ ẩm thực lâu năm và nổi tiếng ở Biên Hòa, với những món đặc sản làm từ tôm sông Đồng Nai. Ngoài 01 cơ sở chính, tại đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Hòa Bình. Thương hiệu 5 Ri còn có 03 chi nhánh khác ở Biên Hòa và tỉnh Bình Dương. Người gầy dựng thương hiệu này là cô Nguyễn Thị Cúc, thường gọi là cô Năm, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, phải vào đời sớm.

Cô Năm – Nguyễn Thị Cúc người gầy dựng nên thương hiệu 5Ri

Nhà nghèo, 13 tuổi, cô Nguyễn Thị Cúc đã phải bươn chải kiếm sống, một người bán tôm ở chợ Biên Hòa rủ cô cùng buôn bán chung. Bắt đầu từ đó, cô Cúc gắn kết với con tôm ở Đồng Nai và tạo dựng được vựa tôm chuyên cung cấp tôm sông Đồng Nai cho các nhà hàng, quán ăn. Nghề dạy nghề cho cô Cúc, cô đưa tôm giao tận bếp cho các nhà hàng. Ngày mỗi ngày…thấy nhà bếp sử dụng tôm làm ra món này – món nọ, cô Cúc phụ giúp, rồi công việc cứ thấm dần vào tâm trí… dẫn dắt cô Cúc mở một hàng ăn nhỏ, chuyên bán các món ăn mặn được chế biến từ con tôm mà ngày nào cô cũng tiếp xúc.

Chủ vựa tôm sành sỏi với con tôm, từ nhiều tư thế từ câu – bắt – sống – chết… đã giúp cô Cúc hiểu biết để làm ra những món ăn khoái khẩu từ tôm mà dần dần quán ăn nhỏ của cô nổi tiếng, nó bắt đầu từ món lẩu tôm chua ngọt không đụng hàng.

Tôm lấy trực tiếp từ ghe chài, ghe đáy, được quán mở tại nhà do chính cô Cúc đứng bếp bắt đầu hút  khách. Khách tìm đến ăn ngày càng đông, 03 năm đầu mở quán,dù không hề treo bảng hiệu nhưng khách vẫn đến ăn như quán tính tự nhiên. Để khách dễ dàng đến với quán, cô Cúc quyết định đặt tên quán là 5 Ri, cái tên đặc tả của xứ Đàng trong mang ý nghĩa vợ chồng là “5 Ri”, vợ thứ năm trong gia đình, còn chồng tên Ri… từ đó quán có tên thương hiệu 5 Ri.

Vốn xuất thân từ gia đình nội – ngoại đều nghèo, từ khi lấy nhau hai vợ chồng phải bươn chải nuôi 06 con nhỏ, rồi có được tê hiệu tích góp từ tên hai vợ chồng. Giờ đây,cô Năm Cúc rất yêu quý và gìn giữ thương hiệu 5 Ri, bằng chính mồ hôi và đôi tay cần cù lao động. Rất vui,vì các con cô Cúc đều theo nghiệp của mẹ, được cô kèm cặp với thái độ lao động nghiêm túc. Dù bước vào độ tuổi đủ “một đời người” nhưng cô Cúc vẫn là đầu bếp chính, vẫn tự hào khoe sức làm việc của mình mà nhiều người theo không kịp. Với cô, niềm vui trong cuộc sống là luôn được hết lòng với công việc và có tấm lòng giúp đỡ những ai gặp khó khăn như mình ngày xưa…

Thay lời kết:

Đất Đồng Nai là vùng đất xưa, như câu nói: Rồng chầu ngoài Huế – Ngựa tế Đồng Nai và những câu chuyện xa xưa, thì Đồng Nai là vùng đất Địa linh nhân kiệt. Chúa Nguyễn Ánh đã từng dừng chân ở vùng đất ven sông Đồng Nai, gọi là đất “Tân Triều”, tạo ra giống bưởi Tân Triều. Nhưng ở đất Tân Triều có loại bưởi Hồng làm gỏi rất ngon, giá như cô Cúc nghiên cứu đưa ra món gỏi tôm bưởi Hồng Tân Triều chắc là cũng thành đặc sản không đâu sánh kịp. Còn người xưa nói “đĩa bàng than con tôm càng dựng đứng”, thiết nghĩ con tôm ở sông Đồng Nai chắc phải có gì đặc biệt…Trong dân gian vẫn còn vang vọng câu hò: Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…Sài Gòn Gia Định và Đồng Nai có cùng lịch sử hình thành nhưng vùng đất Đồng Nai còn có nhiều điều huyền bí mà thế hệ hôm nay chưa thấu hiểu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *