CARAVAN ECOFARM THAM QUAN VƯỜN THANH LONG VÀ BA TƯỜNG FARM

Chiều ngày 22/07/2023, Công ty CP Tập đoàn Ecofarm Pay đã tổ chức cho đoàn Caravan đến tham quan 02 doanh nghiệp nuôi – trồng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện khai trương Ecofarm Rest Stop Bình Thuận và khai mạc hội chợ triển lãm Thương mại sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu được diễn ra cùng ngày tại QL1A, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh 2023”, hỗ trợ phát triển sản phẩm Ocop địa phương. Đồng hành cùng đoàn Caravan, vinh dự khi có sự góp mặt của ông Nguyễn Phú Hoàng – chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Thuận.

Gặp gỡ anh Đinh Xuân Đào – Top 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023:

Nơi đoàn Caravan đến tham quan là khu vườn thanh long của anh Đinh Xuân Đào, ngụ tại thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc bát ngát xanh mướt và đẹp mắt với hơn 34ha.

Đoàn Caravan tham quan, chụp ảnh

Trò chuyện cùng đoàn tham quan, anh Xuân Đào chia sẻ: “Khu vườn được trang bị hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, cơ giới hóa trong khâu sản xuất cũng như thu hoạch sản phẩm. Để có đủ điều kiện bảo đảm đời sống cho 40 công nhân nông dân trông coi vườn Thanh Long, anh Xuân Đào còn mở cơ sở thu mua Thanh Long, với quy mô hơn 5.000m2 gồm: nhà xưởng đóng gói và kho lạnh bảo quản sản lượng lên đến 2.500 tấn/tháng.

Vợ chồng anh Đinh Xuân Đào tại vườn Thanh Long

Bắt đầu bén duyên với nghề trồng cây Thanh Long trên vùng cát trắng từ năm 2013, chỉ với 3 ha. Trải qua nhiều lần thất bại và khó khăn về cây giống và kỹ thuật, rồi tiếp theo đó là vốn vay, chi phí thuê nhân công, thị trường…. Dần dần tích lũy kinh nghiệm, anh quyết định mạnh dạn mở rộng quy mô với mong muốn phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ nắm bắt kịp yêu cầu của thị trường mà từ năm 2017 đến nay; nguồn thu nhập từ trồng trọt và kinh doanh Thanh Long xuất khẩu đã mang về lợi nhuận cho anh Xuân Đào khá ổn định. Từ 1,2 tỷ đồng đến 1,8 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương với thu nhập từ 05 đến 07 triệu đồng/tháng. Anh đã xuất khẩu Thanh Long đi các thị trường như: Ấn Độ, DuBai, Malaysia, Singapore…

Anh Đào chia sẻ thêm: “Hầu như size Thanh Long ở các thị trường này không khó mấy…Họ chỉ yêu cầu khoảng 300 đến 400gr/trái, còn mẫu mã, đóng thùng chuyển hàng đi, đơn vị đặt hàng sẽ đưa ra yêu cầu để chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính hơn, anh rất mong được Nhà nước giúp đỡ tiếp vận nguồn vay ưu đãi, để có tinh thần duy trình và tồn tại trong giai đoạn mà nông nghiệp phải đổi thay nhiều thứ, kể cả chuyển đổi số mà chúng tôi thật sự chưa hiểu, không biết có ảnh hưởng đến phát triển và tiêu thụ vườn Thanh Long của mình hay không”

Anh Đinh Xuân Đào trò chuyện cùng ông Nguyễn Phú Hoàng – chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Thuận.

Với những đóng góp tích cực cho địa phương, anh Đinh Xuân Đào đã được Ban thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam bầu chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Khát vọng hồi sinh con Dông đặc sản địa phương:

Điểm tham quan thứ 2 của Đoàn Caravan là Khu Du lịch Sinh thái Suối Tiên tại Thôn Thiện Trung, Xã Thiện Nghiệp, Thành phố Phan Thiết.

Tại đây, Ba Tường Farm là nơi nổi tiếng với nghề nuôi Dông. Trên diện tích khai thác du lịch sinh tái 1ha, phần đất nuôi dông 300m2 với số lượng trên 1000 con.

Dông là loài sống tự nhiên trên vùng đồi cát ven biển Bình Thuận, nhất là ở vùng đất Thiện Nghiệp kề Mũi Né. Khoảng từ năm 2006, nhu cầu sử dụng cho du lịch tăng cao, con Dông thiên nhiên dần dần bị tuyệt chủng. Chính vì vậy, nông dân địa phương đã nuôi thử nghiệm nuôi dông theo kiểu bán hoang dã mang lại thành công. Sau đó, nuôi dông trở thành nghề thịnh hành bởi vốn đầu tư cho loại vật nuôi bán hoang dã này rất thấp. Chi phí chuồng trại ít, chỉ tốn vài triệu mua tôn cũ. Thức ăn nuôi dông cũng đơn giản, một ngày chỉ cần cho chúng vài bó rau vào buổi sáng. Chúng tự đào hang, uống sương, tìm thêm thức ăn (côn trùng, cây cỏ) ngoài tự nhiên, rất ít công chăm sóc nhưng đem lại giá trị kinh tế khá cao.

Con Dông con sẽ được nuôi từ 8 đến 12 tháng, khi đạt cân nặng từ 300g – 500g sẽ thu hoạch. Hiện nay, có nhiều dòng sản phẩm Dông được bán ra thị trường như: Con Dông tươi sống, Con Dông được cấp đông để phụ vụ vận chuyển. Ngoài ra, còn có dòng sản phẩm dông đã được sơ chế để thuận tiện hơn, phục vụ cho người tiêu dùng.  

Sản phẩm Dông đông lạnh

Hiện nay toàn xã Thiện Nghiệp có khoảng 20 hộ nông dân đang khôi phục lại nghề nuôi Dông cát với quy mô chuồng trại mỗi gia đình từ 1.000 m2 trở lên, bán cho khách du lịch tại Khu  Du lịch Sinh thái Suối Tiên. Bên cạnh đó, cung cấp cho các nhà hàng tại Mũi Né, Phan Thiết và TP.HCM. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm nghề nuôi loại đặc sản lợi thế này ở địa phương bị khựng lại do bấp bênh đầu ra.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *