Ngày 08/05/2022 vừa qua; tại CHLB Đức diễn ra hội thảo nói về mốc thời gian hình thành và phát triển Khoa Y Việt – Đức của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, GS.TS.BS Nguyễn Sỹ Huyên – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Việt – Đức, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (đang công tác tại CHLB Đức) đã mời Bác sĩ Hồ Trung Thành – là BS tốt nghiệp Khóa học đầu tiên của Khoa Y Việt – Đức tại CHLB Đức, hiện tại đang công tác tại CHLB Đức, tham dự hội thảo. Sau hội thảo chúng tôi có dịp trao đổi với Bác sĩ Hồ Trung Thành về quá trình theo học và tốt nghiệp bác sĩ tại Đức.
Mục tiêu của Khoa Y Việt – Đức tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thach là đào tạo bác sĩ đa khoa, chuẩn đầu ra như một bác sĩ được đào tạo tại CHLB Đức, theo học chế tín, với học trình 05 năm tại Việt Nam và 01 năm 03 tháng tại CHLB Đức. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa (nằm trong hệ thống văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam) do ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp, nhận chứng chỉ tốt nghiệp của ĐH Mainz xác định có trình độ tương đương với sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Mainz và nhận chứng chỉ hành nghề bác sĩ y khoa tại CHLB Đức do cơ quan có thẩm quyền của CHLB Đức cấp.
Đó chỉ mới là giai đoạn đầu của một sinh viên Y khoa tốt nghiệp bác sĩ; nếu như các “tân” bác sĩ muốn ở lại CHLB Đức học tập tiếp chương trình sau đại học thì hãy lắng nghe chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Hồ Trung Thành.
Bác sĩ có thể nói về quá trình học tập của mình những ngày đầu đặt chân lên nước Đức và giai đoạn học tập sau đại học?
BS Nguyễn Hồ Trung Thành: để tốt nghiệp bác sĩ tại CHLB Đức là cả một quá trình mà sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải trải qua, thi đầu vào, thi tiếng Anh, thi tiếng Đức…Mất 06 năm 03 tháng học tập, các sinh viên mới nhận được bằng bác sĩ; để có một tay nghề chuyên sâu, các sinh viên cần học thêm nâng cao tại CHLB Đức, nhằm giúp các bạn chuẩn bị tinh thần học tập thật tốt sau những năm tháng khó khăn, tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau. Tôi là cựu sinh viên khoá đầu tiên của Khoa Y Việt – Đức, hiện đang làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện thành phố Helmstedt. Tôi xin phép đề cập đến 02 mặt tích cực khi các “tân bác sĩ” muốn làm việc tại Đức, 02 mặt này là sự khác biệt lớn trong đào tạo giữa CHLB Đức và Việt Nam, mà chúng ta cần học hỏi.
Xin bác sĩ nói rõ hơn 02 mặt tích cực đó được không?
BS Nguyễn Hồ Trung Thành: đó là về chương trình đào tạo sau đại học, mức đãi ngộ và đào tạo bác sĩ Chuyên khoa.
Tại CHLB Đức; các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học, dù là Đức hay nước ngoài, được gọi là Assistenzarzt (bác sĩ phụ tá) và đều phải tham gia chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Tuỳ theo chương trình đào tạo từng chuyên khoa mà thời gian sẽ kéo dài khác nhau nhưng trung bình khoảng từ 05 – 06 năm. Các bác sĩ này sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn của những bác sĩ chuyên khoa có thẩm quyền đào tạo tại cơ sở được cấp phép đào tạo của Hiệp hội Bác sĩ Bang. Họ đa phần là các Trưởng khoa hay các Oberarzt (dưới quyền trưởng khoa), chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc bệnh nhân của một hay nhiều trạm cùng với các bác sĩ phụ tá, có khả năng thực hiện các thủ thuật chuyên biệt của chuyên khoa. Ví dụ như: siêu âm, nội soi, can thiệp…đồng thời có trách nhiệm đào tạo, giám sát công việc, giải đáp thắc mắc của các bác sĩ phụ tá. Thẩm quyền hay thời gian được phép đào tạo của những bác sĩ hay cơ sở đào tạo này cũng khác nhau và do Hiệp hội Bác sĩ Bang công nhận. Ví dụ có người được phép đào tạo 12 – 24 – 36 tháng…Ngoài ra, trong thời gian vừa học tập và làm việc này, các bác sĩ phụ tá cũng sẽ được tham gia những khoá học về hồi sức tích cực, siêu âm tổng quát, siêu âm tim…cũng như các buổi chuyên đề có tính điểm CME và hoàn thành những chỉ tiêu thực hành thủ thuật theo khung chương trình đào tạo chuyên khoa của Hiệp hội Bác sĩ bang. Sau thời gian đào tạo 05 – 06 năm có chứng nhận của bác sĩ có thẩm quyền đào tạo, tích đủ ít nhất 250 điểm CME cũng như hoàn thành các chỉ tiêu thực hành thủ thuật, các bác sĩ phụ tá sẽ nộp đơn xin thi bác sĩ chuyên khoa tại Hiệp hội Bác sĩ Bang.
Sau khi là bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ này hoàn toàn có thể tự do tiếp tục chọn các chương trình đào tạo dành cho bác sĩ chuyên khoa và thi để lấy các chứng chỉ chuyên khoa sâu. Ví dụ chuyên gia về điều trị đái tháo đường, rối loạn nhịp tim hay y học giấc ngủ… Tất cả những điều này vẫn sẽ theo chương trình của Hiệp hội Bác sĩ Bang hoặc Hiệp hội Bác sĩ Quốc gia của chuyên khoa đã chọn, dưới hướng dẫn của những bác sĩ và cơ sở có thẩm quyền đào tạo và được công nhận sau khi thi với các Hiệp hội này.
Tất cả những chia sẻ trên đây là quá trình đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực “y tế”, mà Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phấn đấu tích cực khi thành lập Khoa Y Việt – Đức. Điều còn lại cần nói là khi các sinh viên có nguyện vọng thi đầu vào của Khoa Y Việt – Đức, cần nắm rõ để phấn đấu học tập thật tốt, đừng để bị rớt lại phía sau./.