Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa EU và Việt Nam thông qua cuộc đối thoại cấp cao với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng tham gia sự kiện còn có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ – Ngành, lãnh đạo một số địa phương, các Đại sứ và đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia châu Âu tại Việt Nam…
Buổi tọa đàm chiến lược đã được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ; vào ngày 02/03/2025, đã mở ra một diễn đàn quan trọng để thảo luận xác định các ưu tiên thương mại và đầu tư, cải cách chính sách và thủ tục cùng các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Trong cuộc đối thoại; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra chỉ đạo sửa đổi các quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ trong thời gian sớm nhất để giải quyết những lo ngại của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng khung pháp lý sẽ được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận năng lượng tái tạo.
Củng cố môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam:
Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc đối thoại là nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. EuroCham nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung pháp lý ổn định, minh bạch và kêu gọi cải cách nhằm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch EuroCham, chia sẻ: hậu siêu bão Yagi, không có ngôi nhà nào ở Hải Phòng bị sập vì chúng được xây dựng trên nền móng vững chắc. Tương tự, khung pháp lý là nền móng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững và củng cố vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm gánh nặng pháp lý không chỉ giúp thu hút đầu tư mà còn đảm bảo sự ổn định kinh tế lâu dài. Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI), 75% doanh nghiệp châu Âu đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên; để tăng cường lợi thế cạnh tranh, EuroCham đề xuất cải thiện 03 lĩnh vực chính: giảm gánh nặng pháp lý, chuẩn hóa quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư trên toàn quốc, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động để thu hút nhân tài quốc tế và đồng bộ quy định về thị thực với tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.

EuroCham cũng khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, khẳng định vị thế không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là trung tâm đầu tư năng động, cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cam kết cải cách từ Chính phủ Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư châu Âu vào công nghệ cao, hạ tầng và năng lượng tái tạo. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp và các Bộ – Ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế. Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ – Ngành nhanh chóng điều chỉnh quy định để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ngài Julien Guerrier, cam kết của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh và hiện đại hóa nền kinh tế. Ngài đề cao tầm quan trọng của tính minh bạch trong quy định và sự hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam. Châu Âu sẵn sàng mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ và tạo thêm nhiều cơ hội tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã đạt hơn 68 tỷ USD vào năm 2024, với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng này. Việc thực thi đầy đủ và hiệu quả EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc để quan hệ đối tác EU-Việt Nam phát triển xa hơn nữa. Sự phát triển này đồng nghĩa nhu cầu tiếp tục cải thiện môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với các quy định rõ ràng, dễ dự đoán, áp dụng nhất quán trên các địa phương cả nước, và quy trình ra quyết định nhanh chóng.
Liên minh châu Âu cam kết đảm bảo việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) trong thời gian sớm nhất có thể. Đại sứ cũng hoan nghênh những cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam và sự quả quyết của lãnh đạo Việt Nam về việc thúc đẩy quá trình ra quyết định nhanh chóng, giảm chi phí kinh doanh và đơn giản hóa môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngài Đại sứ cũng chia sẻ sơ bộ về các chuyến thăm dự kiến sắp tới của các lãnh đạo cấp cao EU; bao gồm Chủ tịch UB Châu Âu – Ursula Von Der Leyen, Cao ủy Thương mại – Maroš Šefčovič và Cao ủy về Đối tác Quốc tế – Jozef Síkela…nhằm thúc đẩy hợp tác song phương nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao EU – Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm; EuroCham đã trình bày thêm các kết quả khảo sát mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh, làm rõ những thách thức mà doanh nghiệp châu Âu đang gặp phải tại Việt Nam. Một trong những vấn đề nổi bật là việc triển khai Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), với nhu cầu cấp thiết về các quy định rõ ràng hơn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch EuroCham, cảm ơn Bộ Tài nguyên & Môi trường đã kịp thời ban hành Thông tư 07/2025 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường với những quy định về EPR, giúp doanh nghiệp hiểu rõ cơ cấu chi phí và thời hạn tuân thủ. Một vấn đề pháp lý quan trọng khác được nêu lên là quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Các doanh nghiệp phản ánh những điểm nghẽn trong thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và chiến lược đầu tư dài hạn. Nếu vấn đề này được giải quyết sẽ giúp tự do hóa luồng hàng thương mại và giúp xây dựng Việt Nam thành một trung tâm logistics mới của khu vực, bên cạnh Singapore.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: các chính sách phải dựa trên thực tiễn, được đánh giá theo hiệu quả thực tế và điều chỉnh phù hợp. Đối với quy định xuất nhập khẩu tại chỗ, Thủ tướng chỉ đạo ngay tại buổi tọa đàm, đề nghị Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì việc sửa đổi nghị định liên quan trong thời gian sớm nhất, nhấn mạnh rằng “nếu khả thi, các điều chỉnh có thể được thực hiện ngay lập tức – thậm chí ngay ngày mai.”

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về tác động của Thuế Tiêu thụ Đặc biệt và Thuế Tối thiểu Toàn cầu, đề xuất chính sách thuế hợp lý để Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu về việc chuẩn hóa tiêu chí đầu tư và đảm bảo nguồn năng lượng xanh ổn định cho phát triển bất động sản công nghiệp cũng được nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho những trụ cột quan trọng trong đầu tư châu Âu tại Việt Nam, đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song song, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương cũng tích cực phản hồi giải đáp.
Ông Koen Soenens từ DEEP C nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chí đầu tư đồng bộ giữa các tỉnh thành để doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng sản xuất. Việc cải thiện thủ tục hải quan và giảm thiểu gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng được coi là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu và logistics. Chúng tôi ủng hộ việc sửa đổi luật hiện hành về năng lượng tái tạo tự sản xuất tự tiêu thụ, cho phép các khu công nghiệp cung cấp nhiều năng lượng xanh hơn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài – một nhu cầu trọng tâm của các nhà đầu tư hiện nay.
Bà Esra Bora từ CMA-CGM cũng nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong thương mại khu vực và kêu gọi Chính phủ hỗ trợ việc giảm tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Cũng như các sáng kiến giao thông bền vững, ví dụ như dịch vụ sà lan điện không phát thải, sẽ giúp giảm lượng CO₂ trong vận chuyển.
Bày tỏ sự hỗ trợ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc cải cách hải quan theo mô hình phân luồng xanh – đỏ – vàng và tiến tới hải quan thông minh theo chuẩn ASEAN. Phó Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục muốn lắng nghe rõ thêm những ý kiến từ doanh nghiệp thực tiễn để chỉ đạo cục hải quan xử lý hợp lý, kịp thời những vướng mắc thủ tục.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Bùi Hoàng Phương khẳng định: Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và điện toán đám mây, đồng thời miễn thuế thu nhập cá nhân và cấp thị thực 05 năm để thu hút chuyên gia công nghệ cao. Định hướng phát triển các lĩnh vực ưu tiên nói trên được quy định tại Luật Công nghiệp Công nghệ số và Luật đổi mới sáng tạo, dự kiến được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Quốc hội trong tháng 5 năm nay. Cụ thể, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sau đó bốn tháng. Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ xúc động khi nghe ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, chia sẻ rằng Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”, đồng thời hy vọng cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng cảm nhận được tinh thần tin cậy và chân thành đó. Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và sẽ tiếp tục lắng nghe, cải thiện, đổi mới, vì sự phát triển bền vững và lợi ích hài hòa của cả hai bên.
Nhìn về tương lai, EuroCham tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết những thách thức còn tồn đọng. Ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh: chúng tôi không chỉ đến đây để nêu ra các khó khăn mà còn mong muốn cùng nhau tìm ra giải pháp. Mục tiêu của chúng tôi là góp phần cắt giảm ít nhất 30% rào cản hành chính, phù hợp với định hướng cải cách kinh tế toàn diện của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thông qua ấn phẩm Sách Trắng, dự kiến ra mắt vào tháng 4 sắp tới, EuroCham sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề này, đồng thời thúc đẩy một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn nữa.

Trong bối cảnh Việt Nam và EU kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cuộc đối thoại cấp cao này tiếp tục khẳng định cam kết chung trong việc củng cố quan hệ kinh tế song phương. EuroCham sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Với lộ trình cải cách pháp lý rõ ràng và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, triển vọng thương mại và đầu tư EU-Việt Nam tiếp tục mở rộng, hứa hẹn một tương lai thịnh vượng và quan hệ song phương ngày càng bền chặt.